Ở một Tiểu đoàn hai lần được tuyên dương danh hiệu Anh hùng
Tiểu đoàn 303 đứng chân trên địa bàn xã vùng sâu Ea Kiết (huyện Cư M’gar), cách Sở Chỉ huy Trung đoàn hơn 60km, xa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, điều kiện ăn ở, học tập, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng hằng năm đơn vị vẫn đảm nhận tốt công tác huấn luyện cho khoảng 500 chiến sĩ mới trên địa bàn tỉnh. Đại úy Nguyễn Văn Dưỡng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 303 cho biết, để bảo đảm chất lượng huấn luyện tân binh, trước mỗi mùa luyện quân, Tiểu đoàn đều xây dựng Nghị quyết chuyên đề, xác định chỉ tiêu, thống nhất về mặt nội dung, phương pháp huấn luyện, đồng thời tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ khung về công tác quản lý, giáo dục, huấn luyện bộ đội, và làm tốt công tác chuẩn bị hậu cần, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện như sắp xếp, bố trí nơi ăn, nghỉ cho chiến sĩ mới, sửa chữa hệ thống biển bảng, thao trường bãi tập…
Huấn luyện kỹ thuật bắn súng cho chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 303. |
Xuất phát từ đặc điểm chất lượng đầu vào của tân binh không đồng đều bởi quân số nhập ngũ thuộc nhiều dân tộc, có trình độ văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ khác nhau… qua đúc kết kinh nghiệm nhiều năm, Tiểu đoàn đã xây dựng phương pháp huấn luyện như: tổ chức biên chế đan xen giữa chiến sĩ có trình độ, văn hóa cao với chiến sĩ có trình độ văn hóa thấp, giữa người Kinh với chiến sĩ người đồng bào các dân tộc thiểu số… theo hình thức tổ 3 người. Với mô hình này, các chiến sĩ cùng tổ sẽ có thêm điều kiện gần gũi, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập và huấn luyện. Trong quá trình huấn luyện, đơn vị bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” và vận dụng nhuần nhuyễn “3 quan điểm, 8 nguyên tắc và 6 mối kết hợp”. Quy trình huấn luyện được tiến hành theo phương pháp từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; học mới ôn cũ, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, chú trọng động tác thực hành và yếu lĩnh cá nhân. Trung úy Huỳnh Thanh Ngọc, cán bộ huấn luyện Tiểu đoàn chia sẻ: “nắm bắt tâm lý của chiến sĩ trẻ khi mới về đơn vị còn nhiều bỡ ngỡ, lo lắng nên cán bộ huấn luyện thường xuyên gần gũi trò chuyện nắm bắt tâm tư nguyện vọng, động viên chiến sĩ, xây dựng mối quan hệ thân thiện để mọi người đều xem đơn vị như mái nhà chung. Quá trình huấn luyện, chiến sĩ được hướng dẫn chuyên sâu từng nội dung, thực hành theo phương pháp “Cầm tay chỉ việc”, giúp họ tiếp thu các bài tập một cách tốt nhất. Nhờ vậy, kết thúc các khóa huấn luyện hằng năm, 100% chiến sĩ đều đạt yêu cầu, trong đó có trên 75% đạt khá, giỏi. Riêng 3 môn tiếng nổ có 100% chiến sĩ đạt yêu cầu.
Lớp lớp chiến sĩ được đào tạo từ Tiểu đoàn đã trưởng thành về mọi mặt, sau khi xuất ngũ về địa phương có nhiều đóng góp quan trọng đối với công tác quân sự quốc phòng nơi sinh sống; trở thành đội quân dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng, sẵn sàng huy động, bổ sung cho lực lượng bộ đội thường trực khi có yêu cầu.
Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã phát huy tính tự lực, tự cường, đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, tự chủ nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu của đơn vị. Tiểu đoàn quy hoạch khu vực trồng rau xanh diện tích hàng ngàn m2, trồng trên 20 loại rau các loại; đào 5 ao thả cá, diện tích 2.000 m2 và duy trì đàn gia súc, gia cầm hàng ngàn con… Từ công tác tăng gia sản xuất, đơn vị đã cải thiện, đưa thêm vào bữa ăn trên 2.000 đồng/người/ ngày, góp phần duy trì quân số khỏe đạt trên 98,8%.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc