Multimedia Đọc Báo in

Vườn me ở Đại đội Bộ binh 5

11:25, 12/12/2014

Dọc cổng vào Đại đội Bộ binh 5, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Buôn Đôn và khu vực căng-tin, gây ấn tượng đặc biệt với khách là những hàng me xanh mướt. Vào mùa này, hơn 40 cây me của đơn vị đều sai trĩu quả, một cảnh quan vừa gần gũi, vừa hấp dẫn…

Đại đội Bộ binh 5 đứng chân ở khu vực chủ yếu là đất pha cát, mùa khô rất khó khăn về nguồn nước tưới và sinh hoạt. Trước đây, đơn vị đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây vừa để lấy bóng mát vừa để ăn trái như thanh long, nhãn, vải… nhưng không thành công. Cách đây khoảng 7 năm, qua nghiên cứu, anh em thấy đất này thích hợp với me và xoài, vậy là chi đoàn phát động mỗi người mua và chăm sóc một cây me hoặc xoài, phong trào thu hút được sự tham gia của đông đảo đoàn viên thanh niên. Nhờ vậy, dù nắng cháy đổ lửa, nhưng vườn me đơn vị luôn tỏa bóng mát quanh năm, đặc biệt “rừng” me ở khu vực căng tin từ lâu đã trở thành nơi nghỉ chân tuyệt vời, thu hút nhiều anh em đơn vị sau mỗi giờ luyện tập, thư giãn.

Thượng úy Lục Đình Hiến, Chính trị viên Đại đội Bộ binh 5 chỉ tay về phía vườn me xanh giới thiệu: “Đơn vị có hơn 40 gốc me đang cho thu hoạch, cây nào vào mùa cũng sai trĩu quả, chỉ để cho cán bộ, chiến sĩ chứ không bán. Anh em nào có thân nhân lên thăm sẽ được đơn vị gửi biếu làm quà, rất thân thương, tình cảm”...

Dùng sào khều me được chừng 2 phút, Binh nhất Nông Văn Cường (Tiểu đội 8, Trung đội 3) đã “thu” được một bao lớn đầy quả. Cường đặt bao me lên khu vực ghế đá, rồi cầm chùm quả nặng trĩu trên tay, nhoẻn miệng cười: “Tranh thủ ngày cuối tuần rảnh rỗi, bọn em thường ra căng tin đơn vị ngồi nghỉ ngơi, thưởng thức me. Giờ me vẫn còn non, nhưng chấm với muối ớt hoặc mắm ruốc cũng ngon lắm!”. Vẫn giữ nụ cười tươi, Cường tâm tình: “Cuối tuần đơn vị có người nhà đến thăm, mọi người cùng nhau thưởng thức me rất vui vẻ. Vào mùa me chín rộ, bọn em thường hái “cây nhà lá vườn” làm quà cho người thân, bạn bè. Biết là giá trị chẳng đáng bao nhiêu, nhưng thấy được tấm lòng và sự nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ đơn vị nên ai cũng thích và quý trọng”.

Niềm vui dưới tán me của chiến sĩ Đại đội Bộ binh 5.
Niềm vui dưới tán me của chiến sĩ Đại đội Bộ binh 5.

 Ngồi ghế đá đối diện, Binh nhất Ngân Văn Hoàng (Tiểu đội 7, Trung đội 3) gật đầu như đồng tình với chia sẻ của Cường. Vốn sinh ra và lớn lên trên vùng me Buôn Đôn, nên Hoàng khá sành sõi các món ăn, gia vị chế biến từ loại quả này, nói như một “chuyên gia” ẩm thực: “Me được đơn vị chế biến nhiều món ngon lắm! Mùa không quả thì hái lá nấu canh chua; khi quả chín, bọn em lại được thưởng thức ô mai, me muối… Ngoài ra me còn được lấy làm gia vị trong các món canh chua, nước chấm cá chiên, cá mè. Đặc biệt, mỗi khi mệt mỏi mà có một ly đá me thì không gì vui bằng!”. Hoàng tếu táo thêm: “Đa phần chị em rất thích loại quả chua nhiều, ngọt ít này. Vì thế mà thấy bộ đội khéo tay chế biến các món từ me, đặc biệt món ô mai, các cô chỉ có “chết mê” trở lên”.

Ngoài 40 gốc me, Đại đội Bộ binh 5 còn có trên 30 gốc xoài, mỗi cây ước tính thu hoạch khoảng trên dưới 1 tạ quả/mùa, tất cả đều dùng để phục vụ anh em đơn vị và làm quà cho người thân, gia đình. Không chỉ có me, xoài, vườn tăng gia ở Đại đội 5 cũng là nơi được nhiều đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh và Bộ đội Biên phòng, các đơn vị, cơ quan trên địa bàn đến tham quan, học hỏi. Mùa nào thức nấy, vườn tăng gia lúc nào cũng một màu xanh mướt của các loại rau, củ, quả. Đàn gà thịt, gà đẻ, heo rừng, heo lai, cá rô phi… cũng mang lại một nguồn thu không nhỏ cho đơn vị. Vào bếp ăn Đại đội, nhìn bữa ăn hàng ngày của chiến sĩ, nhiều người cứ tưởng hôm ấy đơn vị liên hoan, bởi trên bàn có gà luộc, cá sốt cà chua, thịt ba chỉ xào nấm, canh măng cua, rau sống… được bày biện khá bắt mắt.

Bên cạnh đó, hơn 2 năm nay, Ban CHQS huyện Buôn Đôn còn đầu tư cho Đại đội trồng thêm trên 2.500 cây xanh, trong đó có nhiều loài gỗ quý như: sưa, sao, hương, xà cừ… vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa giúp bộ đội có một thao trường xanh để góp phần học tập, rèn luyện tốt.  

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.