Những cây phong ba giữa biển
Đó chính là những người con đất Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, suốt đời cống hiến sức lực, trí tuệ, tuổi xuân của mình, cầm chắc tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Đón cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 571 Vùng 4 Hải quân lên thăm, các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn Tư Chính mừng vui khôn xiết. Những cái bắt tay siết chặt, hàn huyên tâm sự đủ mọi chuyện, quê hương, gia đình, bạn bè, người thân… Thiếu tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng nhà giàn, quê xứ Thanh, có nụ cười rất tươi cho biết hiện nay trên vùng biển phía Nam này có tất cả 15 nhà giàn, mỗi nhà giàn là một cột mốc chủ quyền của Việt Nam, thế đứng kiên cường giữa ngàn khơi. Các nhà giàn được thành lập đến nay đã 27 năm. Suốt 27 năm qua, trên các vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, có hàng nghìn lượt chàng trai đã viết đơn tình nguyện ra nhà giàn, sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ, tuổi thanh xuân của mình để gìn giữ chủ quyền biển đảo thân yêu. Thiếu tá Lê Xuân Nam năm nay hơn 40 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm công tác ở vùng biển phía Nam. Tháng 9-1994, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân 2 với tấm bằng loại giỏi, anh Nam đã chia tay người thân, người vợ mới cưới, lặng lẽ khoác ba lô bước chân xuống tàu, hành quân ra nhà giàn công tác. Những năm tháng sống gắn bó với vùng biển phía Nam, dù cuộc sống nơi đây gặp rất nhiều khó khăn gian khổ, nắng lửa quanh năm, gió rát bốn mùa, nước ngọt chia từng ca, rau xanh nhường nhau từng cọng nhưng anh Nam và những cán bộ, chiến sĩ nơi nhà giàn chưa bao giờ chùn bước, sờn lòng. Thiếu tá Nam bộc bạch: “Ngày ấy, khi chúng tôi ra nhà giàn công tác, làm gì có điện thoại hiện đại như bây giờ, phương tiện thông tin duy nhất để liên lạc với đất liền là viết thư. Vợ chồng lấy nhau, xa nhau biền biệt, khi về thăm đất liền con gái không nhận ra bố. Suốt 20 năm vợ chồng lấy nhau, cả nhà chỉ ăn cùng nhau 4 cái tết, những năm còn lại tôi đón tết cùng anh em đồng đội ở nhà giàn giữa biển xa… Nhưng lính biển chúng tôi không bao giờ kêu ca phàn nàn, nhiệm vụ giữ gìn toàn vẹn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn phải đặt trên hết”.
Nhà giàn DK1 chốt ở vùng biển phía Nam của Tổ quốc. |
Nhà giàn Phúc Nguyên cách nhà giàn Tư Chính chừng vài chục hải lý. Nhận những phần quà của đất liền gửi tặng, anh Võ Như Thường, trạm phó, người con của quê hương Quảng Bình cảm động: “Những phần quà này không chỉ thể hiện tình cảm của đất liền, đất mẹ luôn quan tâm tới chúng tôi - những chiến sỹ đang đêm canh giữ biển trời, mà còn là cội nguồn tình cảm thiêng liêng của đất liền luôn quan tâm và hướng về biển đảo”. Với anh Thường, được ra nhà giàn giữ biển là một niềm vinh dự, là sứ mệnh thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Anh bộc bạch: “Đồng đội tôi có những người hầu như cả cuộc đời gắn bó máu thịt với nhà giàn, ra đây khi mái đầu còn đen láy, ngoảnh lại tóc đã bạc trắng, nước da đen nhẻm sạm mùi nắng gió. Như thượng tá Nguyễn Văn Nam - Tiểu đoàn trưởng, trung tá Nguyễn Đình Thịnh là người đầu tiên ra nhà giàn công tác; và các thế hệ sau này như trung tá Trang Hải Âu - trạm trưởng, thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh - Chính trị viên Tiểu đoàn… đều cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp gìn giữ chủ quyền vùng biển phía Nam. Chính tại vùng biển này, đã có 9 người lính biển đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã giành khó khăn gian khổ về mình để bảo vệ đồng đội. Thiếu tá Nguyễn Hữu Tôn, cán bộ quân y nhà giàn Phúc Nguyên - 2A đã nhường áo phao cứu sinh cho đồng đội; thiếu úy Nguyễn Văn An nhịn đói 3 ngày vẫn nhường gói mì tôm để cho đồng đội ăn lấy sức, trước khi hy sinh trong một trận bão anh còn hô vang khẩu hiệu: “Anh em hãy bình tĩnh, còn người thì còn trạm”….
Chuyến thăm các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã để lại nhiều cảm xúc. Những nhà giàn hiên ngang trụ vững giữa bao la đại dương như thế đứng kiên cường giữa ngàn khơi. Hàng ngày, trên mỗi cột mốc ấy, những người lính biển vẫn thầm lặng công tác, trải mình trong nắng gió, bão giông, phát huy truyền thống của cha anh đi trước, tiếp tục cống hiến trọn đời sức lực, trí tuệ, tuổi thanh xuân của mình để gìn giữ biển đảo thân yêu. Các anh giống như loài cây phong ba mọc giữa ngàn khơi, dù mưa nắng, bão giông, thời tiết khắc nghiệt, nhưng cành lá vẫn sum suê tươi tốt, vẫn đâm chồi nảy lộc, sống hiên ngang giữa đại dương bao la hùng vĩ.
Nguyễn Thanh Hải
Ý kiến bạn đọc