Vững vàng một dải biên cương
Nằm liền kề nhau, 2 đồn biên phòng Ea H’leo và Ia R’vê nối hơn 13 km chiều dài đường biên giới tạo thành bức tường vững chắc bao bọc, chở che cho nhân dân trên địa bàn 2 xã Ya Lốp và Ia R’vê (huyện Ea Súp). Nơi đây hình ảnh người chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm chắc tay súng, canh giữ biên cương dường như luôn gắn với mọi sinh hoạt đời sống của người dân, để rồi vùng đất đầy nắng gió này đã chứng kiến, khắc ghi biết bao câu chuyện thấm đậm nghĩa tình quân dân…
Điểm tựa của lòng dân
Phải đi nhiều nơi, vùng biên giới, trên mảnh đất còn lắm khó khăn, gian khổ, nơi mà cuộc sống người dân vẫn còn bộn bề bao nỗi lo toan với cuộc sống mưu sinh hằng ngày thì mới có thể khắc họa, lột tả hết được cái tình của người lính biên phòng qua những việc làm ý nghĩa, thiết thực mà các anh giúp cho người dân, những người được xem như là “anh em ruột thịt trong gia đình”. Tôi đã rong ruổi qua mọi nẻo đường vùng biên, gặp gỡ chính quyền, cùng chuyện trò với những người dân để “mắt thấy, tai nghe” những tình cảm chân thành, thân thương mà họ nói về những công trình, việc làm ghi đậm dấu ấn của người lính biên phòng… Bằng ngôn từ mộc mạc, không chút hoa mỹ, với chất giọng khảng khái, bộc trực, đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ sông nước, ông Lê Thanh Hải, Bí thư xã Ia R’vê bảo rằng: “Không thể đo đếm hết được những việc làm ý nghĩa của người lính mang quân hàm xanh đã và đang triển khai nơi vùng biên, đơn cử như trên địa bàn xã đã có 49 nhà Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, 7 công trình dân sinh giếng nước ngọt, một phòng khám quân dân y kết hợp do các anh xây… góp phần ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp cho nhân dân”. Còn ông Ngô Đức Thắng, Bí thư xã Ya Lốp thì ví von ngắn gọn: “Có sự hiện diện của các anh nơi đây người dân vững tin lắm, các anh chính là “điểm tựa” của lòng dân. Nghĩa tình người chiến sĩ biên phòng còn được khắc họa đậm nét qua khẳng định của bà Đinh Thị Kẹn (xã Ya Lốp): “Các chú bộ đội rất chu đáo, quan tâm chăm lo cho nhân dân từ miếng ăn đến giấc ngủ”…
Chiến sĩ biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới. |
Dấu ấn người lính biên phòng nơi biên cương
Ngược lại khoảng thời gian năm 2006, khi 2 xã Ia R’vê và Ya Lốp được thành lập, nhiều hộ dân từ các tỉnh miền Bắc và miền Tây Nam Bộ (chủ yếu ở các tỉnh: Cao Bằng, Thanh Hóa, Bến Tre) vào lập nghiệp trên quê hương mới Ea Súp, phải đối mặt với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nếu không có sự hỗ trợ, động viên kịp thời cả về tinh thần lẫn vật chất của những người lính biên phòng thì có lẽ nhiều người đã nản chí, quay về lại nơi chôn nhau cắt rốn. Trung tá Đoàn Quang Trung, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ea H’leo cho biết: ban đầu, để giúp người dân ổn định cuộc sống, ngoài nhà ở theo các chương trình khác của Nhà nước, bộ đội biên phòng đã vận động kinh phí, xây dựng 57 nhà Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới trên địa bàn 2 xã, kế tiếp tìm cách giải bài toán thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô bằng cách huy động kinh phí, khoan 7 giếng nước sạch, đưa nước về tận nhà, phục vụ nhân dân. Vẫn chưa yên tâm khi chứng kiến cảnh người dân còn xoay xở lo cho từng bữa ăn hằng ngày, các anh lại trăn trở, cất công đi nghiên cứu, học tập, tìm hiểu những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để triển khai thực hiện trên địa bàn. Những mô hình nuôi nhím, trồng gừng, trồng thanh long, nuôi bò, trồng bí cao sản… đang được thử nghiệm ở 2 xã biên giới, mà một phần kinh phí do các anh hỗ trợ bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần định hướng phát triển kinh tế, mở ra cánh cửa xóa đói giảm nghèo trong tương lai không xa cho người dân. Tình cảm, trách nhiệm của người lính biên phòng còn thể hiện qua việc các anh đã vận động trên 300 triệu đồng, xây dựng phòng khám quân dân y kết hợp để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; mở các lớp xóa mù chữ, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu; sẵn sàng nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh khó khăn… Đáp lại ân tình của người lính biên phòng, gần 3.440 hộ của 2 xã, với trên 12.000 khẩu đã yên tâm bám trụ lại vùng biên, cùng các anh tạo thành bức tường lũy vững chắc, bảo vệ biên cương Tổ quốc…
Nhân viên Phòng khám quân dân y kết hợp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân |
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”….
Đồn Biên phòng Ea H’leo và Ia R’vê đóng chân trên địa bàn xa xôi nhất của tuyến biên giới dài 73 km của tỉnh, trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn thiếu thốn, song với truyền thống của bộ đội Cụ Hồ, cán bộ chiến sĩ 2 đồn biên phòng luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biên giới mà Đảng và nhân dân giao phó. Thiếu tá Nay Khánh Pa, Chính trị viên Đồn biên phòng Ea H’leo và Thượng tá Đồng Văn Triệu, Đồn trưởng Đồn Ia R’vê đều thống nhất cho rằng, động lực, nguồn mạch sức mạnh để mỗi người lính biên phòng có thể “vượt nắng, thắng mưa”, chắc tay súng, vững vàng bám trụ nơi vùng biên xa xôi này chính là để đáp lại tình cảm yêu thương, sự tin tưởng, gửi gắm, kỳ vọng của những người thân yêu ở hậu phương. Vì thế, ngay khi đặt chân đến đồn, mọi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đều tâm niệm, xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, xây dựng các nội dung, biện pháp triển khai hoạt động dân vận, tăng cường củng cố mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa những người lính mang quân hàm xanh với nhân dân 2 xã biên giới thông qua việc tăng cường các đội công tác xuống bám nắm địa bàn, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tổ chức các hoạt động giúp dân lao động sản xuất, mở các lớp học xóa mù chữ, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế… Qua đó, ngày càng bồi đắp, củng cố, gắn kết thêm mối quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, để người dân thêm an tâm bám trụ, chung tay góp sức với những người lính mang quân hàm xanh hoàn thành nhiệm vụ và được thể hiện qua việc tham gia tích cực vào các phong trào quần chúng tự quản đường biên cột mốc, tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, phối hợp tuần tra, bảo vệ biên giới Tổ quốc…
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc