Multimedia Đọc Báo in

Góp sức xây dựng nông thôn mới

09:13, 02/08/2016

Hưởng ứng phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm huy động sức người, sức của, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đường giao thông nông thôn, góp phần tạo nên diện mạo tươi sáng ở những làng quê nghèo…

Những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi lần xuất gạo, anh nuôi của Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584) lại căn cứ vào tổng quân số, cân định lượng gạo theo quy định của mỗi người, sau đó trích lại 0,2g/người/ngày, góp vào “Hũ gạo vì người nghèo” để sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn đơn vị nhận đỡ đầu, giúp thoát nghèo. Số lượng gạo trên nếu tính theo đầu người sẽ không đáng kể, song với phương châm “tích tiểu thành đại”, “kiến tha lâu đầy tổ”, hơn nữa, với lợi thế là đơn vị có đông quân số nên hằng ngày Tiểu đoàn cũng tích trữ được một số gạo đáng kể. Từ số gạo trên, ngoài một phần dùng hỗ trợ cho hộ nghèo Lê Thị Đội (thôn 3, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), giúp bà tiết kiệm thêm một khoản chi phí sinh hoạt, đơn vị quy thành tiền, mua các loại cây giống, hoa màu, đồng thời cho mượn 3 sào đất, hỗ trợ thêm ngày công giúp bà trồng trọt. Kết quả là sau 3 năm (từ năm 2011 đến năm 2013) đồng hành cùng bà Nguyễn Thị Đội trên chặng đường thoát nghèo, Tiểu đoàn đã giúp gia đình bà vươn lên, ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Lê Thị Đội nhận gạo hỗ trợ của Tiểu đoàn 303.
Gia đình bà Lê Thị Đội nhận gạo hỗ trợ của Tiểu đoàn 303.

Còn ở Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Kar, đơn vị cũng có hình thức giúp đỡ thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện gia đình mà đơn vị nhận đỡ đầu. Theo đó với phương châm “Cho cần câu chứ không cho con cá”, đơn vị đã quyên góp tiền, khảo sát hộ nghèo, mua bò giống sinh sản, hỗ trợ hộ nghèo Hà Văn Thấn (trú tại xã Cư Elang), giúp ông có điều kiện phát triển chăn nuôi, mở ra cánh cửa thoát nghèo trong tương lai gần.

Tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn, để có điều kiện hỗ trợ các hộ nghèo, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất, đóng góp ngày lương cộng với số tiền tiết kiệm để xây nhà Tình nghĩa tặng 5 anh em mồ côi Chu Văn Nam (trú tại buôn Ea Brí, xã Ea Wer). Ngoài ra để giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo, đơn vị còn đảm nhận đỡ đầu, chăm sóc 3 chị em: H’Gia Niê, H’Na Viêng Niê, Y Công Trình Niê mồ côi cả cha lẫn mẹ tại buôn Tul A (xã Ea Wer), chăm sóc các em cho đến khi trưởng thành.

Dồn sức hưởng ứng phong trào

Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đại tá Niê Brét cho biết: Hưởng ứng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 5 năm qua (2010 - 2015), song song với việc phát động phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp nhằm huy động mọi nguồn lực trong toàn lực lượng, thể hiện cụ thể trên 3 mặt nội dung: triển khai thực hiện “Hũ gạo vì người nghèo”; giao cho mỗi đơn vị tham gia đảm nhận “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo” trên địa bàn đóng chân và phân công các cụm dân vận  làm công tác vận động quần chúng ở các xã đặc biệt khó khăn. Với “Hũ gạo vì người nghèo”, năm 2010 Bộ Chỉ huy triển khai thí điểm ở Tiểu đoàn 303, Đại đội 2 và Đại đội 5 (thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn và Ea Súp), sau đó nhân rộng ra các cơ quan, đơn vị trực thuộc cũng như khung dự bị động viên, trung đội dân quân cơ động. Kết quả thu được sau 5 năm (2010-2015) là một con số ấn tượng: toàn lực lượng góp được gần 67.000 tấn gạo, trị giá trên 753 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên được dùng để hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách.

Đối với chủ trương mỗi đơn vị tham gia “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo” trên địa bàn đóng chân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, thống nhất chọn đối tượng, xác định lộ trình thoát nghèo cũng như biện pháp hỗ trợ phù hợp nguyện vọng, nhu cầu của gia đình. Trên cơ sở tình hình thực tế, các đơn vị đã linh động, triển khai nhiều việc làm thiết thực, nhận đỡ đầu, giúp hộ nghèo vươn lên, như: hỗ trợ cây, con giống, phân bón, ngày công trồng trọt, chăn nuôi… và luôn sát cánh, đồng hành cùng hộ nhận đỡ đầu trong suốt hành trình thoát nghèo. Nhờ sự “tiếp sức” của những người lính Cụ Hồ cũng như quyết tâm, nỗ lực của từng gia đình, trong 5 năm qua đã có 38 gia đình trên địa bàn tỉnh được các đơn vị nhận đỡ đầu thoát nghèo bền vững. Kết quả trên đã góp phần giúp các địa phương  thực hiện tiêu chí giảm hộ nghèo trên địa bàn.

Chưa hài lòng với những kết quả đạt được, xuất phát từ chủ trương của Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục phân công các đơn vị vào 3 cụm dân vận làm công tác dân vận tại các xã đặc biệt khó khăn ở 3 huyện M’Đrắk, Lắk và Krông Bông. Các đơn vị đã nêu cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch, biện pháp triển khai công tác dân vận thiết thực, phù hợp, hiệu quả, như: tổ chức khám chữa bệnh, tặng sổ tiết kiệm cho hộ nghèo, hỗ trợ cây, con giống chăn nuôi… với tổng số tiền gần 500 triệu đồng. 

Dấu ấn đậm nét người lính Cụ Hồ trong xây dựng nông thôn mới còn được hiển hiện qua những công trình dân sinh, như: công trình cấp nước sinh hoạt, giúp người dân giải cơn khát giữa mùa khô tại thôn Kiên Cường (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột); xây dựng hàng trăm kilômét đường giao thông nông thôn thông thoáng, góp phần tạo nên bộ mặt khang trang, tươi sáng ở những miền quê hay những kênh mương được khơi thông, đưa nước về phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân...            

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.