Multimedia Đọc Báo in

"Cột mốc" niềm tin nơi biên cương

17:14, 24/12/2017

Bằng cách thức gần dân, sát dân, giúp dân phát triển đời sống kinh tế - xã hội, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã làm nên những “cột mốc” niềm tin trong lòng nhân dân các dân tộc khu vực biên giới. Đó chính là điểm tựa cho thế trận biên phòng toàn dân, để bảo vệ, gìn giữ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Với phương châm 4 cùng “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” và 4 bám “bám chính quyền, bám đường lối chính sách, bám dân, bám địa bàn”, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Ea H’leo đã cử cán bộ, chiến sĩ đến từng thôn, buôn, từng hộ gia đình để tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật cho nhân dân, tăng cường mối đoàn kết quân dân, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng. Đồng thời, tổ chức các lớp học xóa mù chữ và kiên trì vận động người dân tham gia.

Cán bộ Đội công tác vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H'leo tuyên truyền vận động người dân  xã Ya Lốp tham gia lớp học xóa mù chữ.
Cán bộ Đội công tác vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H'leo tuyên truyền vận động người dân xã Ya Lốp tham gia lớp học xóa mù chữ.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Ea H’leo còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đơn cử, như mô hình trồng cây ăn trái của gia đình ông Nguyễn Văn Bửu (ở thôn Trung, xã Ya Lốp, huyện Ea Súp), một hộ nghèo từ Bến Tre lên vùng biên lập nghiệp. Trên vùng đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, gia đình ông Bửu gặp không ít khó khăn khi tìm kế sinh nhai, phát triển sản xuất, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Đến năm 2015, trên nền đất đai cằn cỗi, gia đình ông được Đồn Biên phòng Ea H’leo hỗ trợ hơn 10 triệu đồng, cùng ngày công và kỹ thuật để đầu tư phát triển vườn cây ăn trái. Giờ đây, với 300 gốc ổi đang cho thu hoạch, trên 700 gốc nhãn, 400 gốc xoài đang phát triển tốt sẽ mở ra một tương lai mới cho gia đình ông Bửu.

Với các hoạt động thiết thực ấy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo đã ngày càng “gần” dân hơn, tạo được tình cảm gắn bó sâu sắc trong lòng quần chúng nhân dân. Ông Hà Văn Hùng, người dân xã Ya Lốp chia sẻ: Đối với bà con dân tộc Thái ở đây, những người không biết chữ, có hoàn cảnh khó khăn như gia đình tôi còn rất nhiều. Chính nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các chiến sĩ BĐBP, chúng tôi đã được đi học biết cái chữ, làm quen với các phép tính để biết tính toán làm ăn. Rồi chúng tôi còn được họ hướng dẫn cách xuống giống, kỹ thuật chăm sóc lúa để cây trồng đạt hiệu quả. Nhờ vậy, cuộc sống đang ngày một ổn định hơn.

 Không chỉ riêng Đồn Biên phòng Ea H’leo, những năm qua, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thường xuyên chỉ đạo các Đồn biên phòng, cán bộ, chiến sĩ hướng về cơ sở và thực hiện tốt phương châm “bốn bám, bốn cùng”, tham gia tốt công tác an sinh xã hội ở khu vực biên giới. Chỉ tính riêng năm 2017, BĐBP tỉnh đã hỗ trợ trên 40 triệu đồng cho các hộ khó khăn ở 4 xã biên giới đầu tư phát triển sản xuất; tổ chức giúp dân được 1.455 ngày công; khám cấp thuốc miễn phí cho gần 1.500 lượt người, với tổng cơ số thuốc trị giá gần 70 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa; thăm tặng quà các gia đình chính sách gần 750 triệu đồng…

Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H'leo thăm vườn ổi của gia đình ông Nguyễn Văn Bửu.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H'leo thăm vườn ổi của gia đình ông Nguyễn Văn Bửu.
 
“Năm 2017, BĐBP tỉnh được Bộ Tư lệnh Biên phòng tặng Cờ thi đua xuất sắc. Trong thành tích này có sự đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân, cấp ủy đảng, mặt trận đoàn thể tạo nên sức mạnh tổng hợp để BĐBP tỉnh thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
 
Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

Theo Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: Người lính Biên phòng hôm nay không chỉ có thế trận nơi biên giới, mà còn có thế trận ở lòng dân. Vì thế để tạo được mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc trên tuyến biên giới của tỉnh, ngoài công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tự giác chấp hành, BĐBP còn trực tiếp giới thiệu đảng viên trong lực lượng tham gia sinh hoạt ở từng thôn, buôn để nắm bắt tình hình và có định hướng xây dựng, phát triển các phong trào tại địa phương; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, tính toán xây dựng các mô hình làm kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên từng địa bàn và thực hiện các mô hình trình diễn tại đồn biên phòng và các hộ dân để giới thiệu, hướng dẫn bà con ứng dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, BĐBP tỉnh cũng quan tâm, chăm lo, giúp đỡ kịp thời các gia đình chính sách, neo đơn trong các dịp lễ, Tết; các đồn biên phòng trích một phần quỹ tăng gia sản xuất phối hợp với các ngành, các cấp hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng đặc biệt khó khăn ở vùng biên giới…

Có thể thấy, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các cán bộ, chiến BĐBP tỉnh đã tạo được sự tin yêu, quý mến, trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân vùng biên giới. Qua đó, từng bước phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vùng biên giới vững chắc, hòa bình hữu nghị.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.