Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng "chất lính" tại Hội trại truyền thống

06:17, 30/03/2021

Giữa 21 đơn vị tham gia Hội trại truyền thống “Tự hào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, không khó để nhận ra các trại của Đoàn thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh. Đến với hội trại, các đơn vị thu hút người tham quan bởi những gam màu đặc trưng mang đậm "chất lính", mạnh mẽ, thông minh và sáng tạo.

Chuẩn bị cho hội trại, tuổi trẻ Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực huy động nhân lực, vật lực và lên kế hoạch chi tiết. Thượng tá Trần Quốc Oai, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh cho hay, dù bận rộn công việc chuyên môn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tham gia hội trại bằng cả tinh thần, trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tổng thể trại đòi hỏi nhiều chi tiết và sự khéo léo, nên có những thời điểm, anh em tất bật làm cả ngày đêm để bảo đảm tốt nhất cho ngày hội của tuổi trẻ.

Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia phần thi giã gạo nấu cơm.
Bộ đội Biên phòng tỉnh tham gia phần thi giã gạo nấu cơm.

Sau nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, đơn vị thống nhất thiết kế trại theo mô hình nhà sàn cao, có cầu thang lên xuống, bậc lẻ, thể hiện nét đẹp văn hóa độc đáo của người Êđê. Hòa cùng đó, không gian trại còn đậm sắc màu của chiến sĩ quân hàm xanh, với các vật liệu đều do đơn vị làm ra. Bên trái cổng trại là cột mốc biên cương – điểm phân giới pháp lý tiếp giáp giữa nước ta với nước láng giềng. Bên phải là vọng gác thanh niên, nhằm bảo vệ an toàn cho đơn vị, chống kẻ gian đột nhập, chống các lực lượng thù địch tập kích đánh chiếm. Vọng gác bên nhà sàn còn thể hiện nhiệm vụ của tuổi trẻ bộ đội biên phòng xung kích quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, mang lại sự bình yên cho nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Sa bàn đặt trong trại thể hiện vị trí, địa phận khu vực biên giới mà bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ. Nhà trại là nhà bạt quen thuộc, gắn liền với cuộc sống người lính, đặc biệt là chiến sĩ quân hàm xanh làm nhiệm vụ tuần tra, chốt chặn trên biên giới.

Việc chọn tên trại là “Xung kích” để khẳng định tuổi trẻ đơn vị luôn thể hiện tinh thần ý chí và quyết tâm tiếp bước các thế hệ cha anh “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Bất cứ hoàn cảnh nào, tuổi trẻ hôm nay luôn sẵn sàng xung kích trên mọi mặt trận, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó.

Tinh thần của tuổi trẻ còn được Đoàn thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh thể hiện xuất sắc khi giành giải Nhất toàn đoàn, giải Nhất nội dung trại đẹp, giải Nhì nội dung giã gạo nấu cơm, giải Ba nội dung ẩm thực.

Đoàn thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thi nhảy bao bố.
Đoàn thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thi nhảy bao bố.

Tương tự, tận dụng những vật liệu có sẵn, tre, nứa, Đoàn thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã sáng tạo trại theo những nét đẹp rất riêng. Từ xa, trại gây ấn tượng bởi mô hình Ngã sáu Buôn Ma Thuột – một biểu tượng của quê hương 10-3 được gắn trên cổng.

Cắt, gọt khéo léo, cánh lính trẻ biến những thanh tre vô tri trở thành cây súng, ché rượu cần, chiếc đàn T’rưng, cồng chiêng Tây Nguyên… được gắn và trang trí hai bên cánh cổng. Bên trong, phông nền về hình ảnh những người lính chắc tay súng, nhảy khỏi xe tăng như đại diện cho sức mạnh của thanh niên với ước mơ, hoài bão và khát vọng được cống hiến sức trẻ, trí tuệ, xung kích đi đầu trong thực hiện mọi nhiệm vụ. Cùng với đó, chiếc xe đạp thồ trong chiến tranh, pa nô ảnh, khu trưng bày những ấn phẩm viết về lực lượng vũ trang tỉnh như điểm tô thêm chất lính dũng cảm, mạnh mẽ, can trường…

Mang đến hội trại thông điệp “Tiếp bước”, tuổi trẻ lực lượng vũ trang tỉnh lần nữa khẳng định tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh, tích cực học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, vươn lên lập thân, lập nghiệp, xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Với trí tuệ tập thể, đơn vị xuất sắc giành giải Ba toàn đoàn, giải Nhì nội dung trại đẹp.

Bảo Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.