Từ sông Krông Bông ( Kỳ 21*)
Đến chín giờ vẫn không thấy mặt mũi ông bí thư chi bộ đâu cả. Lâu lâu, có dân tốp ba tốp bảy đi ngược đi xuôi dọc sông, ngang qua chỗ đoàn công tác đang chờ. Rồi có một người đàn ông trạc ba mươi tuổi, thân thể gầy đét, tóc dài chấm vai, mặc áo bà ba đen và quần đùi đen. Anh ta đi theo hướng ngược sông, Khi đến gần đoàn, anh ta cất giọng có vẻ mệt mỏi:
- Đoàn anh Sử đó hả?
Cả mười người túm tụm lại phía anh. Đèn pin loang loáng. Anh trưởng đoàn tên Sử lên tiếng vồn vã:
- Ừ, tôi đây, bọn mình đây.
Thế là lời qua tiếng lại, đối đáp dắt dây nhau sôi nổi bên bờ tre.
- Ừ, chào anh Khải. Rứa anh Cảnh đâu?
- Ảnh ở ngoài kia, bao nhiên chuyện rắc rối, làm sao gỡ ảnh ra cho được. Đêm hôm, dân ùn ùn kéo vô vùng địch. Bên kia sông có hai chiếc GMC chực sẵn. Hổng biết có cách gì đốt mẹ hai chiếc xe đó đi. Du kích xã xách súng nhào ra đó hết. Anh Cảnh không về bây chừ để gặp mấy anh được đâu. Ảnh cử tôi về gặp đoàn. Mà sao đoàn bây giờ mới tới? Anh Ma Ring, Ma Thanh dài cổ chờ các anh suốt buổi chiều. Ừ mà các anh có gì bỏ bụng chưa?
Đến đây bỗng phía bên kia sông dội lên một tiếng nổ long trời. Mọi người nhốn nháo. Một người hỏi to:
- Ơ, bom ném lúc nào mà bây giờ mới nổ?
Anh Khải đủng đẳng lên tiếng:
- Mẹ cha nó, không phải bom đâu. Nó chơi pháo tự hành 155 ly đó. Mẹ cha nó, cái thứ đó, mình đâu kịp nghe tiếng đề pa. Hễ ùm một cái là nó tới mình ngay. Không như thằng 105, nghe tiếng đạn bay kêu ú ú. Nó mà chơi 155 thì may lắm, mình chỉ kịp lật úp từ võng xuống đất.
Tiếp đó là hai quả 155 nổ liền nhau.
Anh Khải nói tiếp:
- Kệ cha nó. Nó chỉ cân vô phía dinh điền, không cân vô vùng này đâu. Nó chừa đường ra bờ sông - Ngừng một lát, anh nhìn bao quát mọi người rồi nói tiếp - Bây chừ như vầy. Anh Cảnh chỉ đạo... Ừ, mà đoàn các anh có mười hai người phải không? Theo tinh thần anh Cảnh chỉ đạo, công việc đầu tiên là mời các anh chị về thôn cái đã. Tôi nhờ anh đoàn trưởng phân về mỗi thôn một cặp. Ờ thì cặp là hai người chớ sao nữa. Anh Sử lo giùm chuyện này nghe. Chừ anh em theo tôi, đến ngã ba cây me ở thôn ba. Đến đó mới có người dẫn đường. Xã mới bố trí lại thành sáu thôn, chạy dạt hết vô chân núi. Không có người dẫn đường, có hỏi trời thì trời cũng lắc đầu, đến như tôi đây, có lúc cũng quên. Ờ mà anh Sử, anh em đến ngã ba cây me chờ người dẫn đường, còn tôi với anh phải vô tít trong hang đá thôn sáu để gặp anh Ma Ring Tỉnh ủy. Dạ, anh Cảnh bí thư chỉ đạo vậy mà...
Chờ xong loạt pháo 155 dội mấy quả liền vô vùng dinh điền cũ, Khải nói tiếp, lúc này giọng anh có phần trang nghiêm:
- Thưa các đồng chí, chiều ni chi bộ xã đã họp, có anh Ma Ring Tỉnh ủy, anh Ma Thanh bí thư dự, cho nhiều ý kiến chỉ đạo. Anh Cảnh bí thư kết luận về tình hình xã có mấy điểm như vầy, xin báo cáo lại để đoàn các đồng chí nắm. Tôi xin báo cáo tóm tắt thôi. Các đồng chí ở tỉnh, nghe ít, hiểu nhiều.
Thưa các đồng chí, thằng địch đánh bà con mình bằng máy bay, pháo binh, bộ binh, đến hôm ni tròn hai mươi tám ngày đêm ròng rã. Riêng tuần vừa qua, chúng đánh theo lối hủy diệt. Bom khoan, bom đia, pháo bầy, pháo chụp. Rải xăng bột rồi dội na pan, đến sắt thép cũng mềm, huống chi nhà cửa, da thịt người ta. Rồi chất độc hóa học mù mịt. Dinh điền đã thành vùng đất chết. Dân, lớp chết, lớp chạy vô vùng địch, số còn lại phải lánh vô rừng, vô hang đá. Ba ngàn năm trăm người, nay còn đâu chưa đến ngàn rưỡi. Nghị quyết chi bộ chỉ ra ba nhiệm vụ trước mắt: Một là, phải tìm mọi cách ổn định tinh thần cho dân, vận động dân kiên trì bám trụ theo tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”. Phải giữ cho được dân. Hai là, lúa đã chín ngoài ruộng, khoai lang, củ mì trong dinh điền còn nhiều. Phải quyết tâm tổ chức dân thu hoạch để có cái mà ăn. Tình hình như ri, cái đói là cầm chắc. Lấy được lúa, đào được mì để ăn, không phải dễ. Nhưng nếu không tổ chức dân làm được như vậy thì chết đói. Mà thưa các đồng chí, đã có nhiều trẻ em chết đói rồi. Thứ ba, dân dạt vô rừng chỉ mang được cái mạng của mình và một bộ quần áo mặc, có mấy ai quơ quào được thứ gì đáng giá mang theo đâu. Bụng thì đói, ngủ thì không mùng, không màn che. Muỗi mùa mưa nhiều như trấu. Bệnh sốt rét hoành hành. Ngày nào cũng có chục người chết vì sốt rét. Đào đâu ra thuốc ký ninh vàng, thuốc phòng ba? Vì vậy, vận động dân phòng chống sốt rét cũng là nhiệm vụ cấp bách. Khổ nỗi, hàng trăm nhà nhóm lửa xông muỗi suốt đêm, làm sao tránh được mắt mấy thằng C130? Hễ hé một chút ánh sáng ra là nó đạp bom xuống ngay. Thì thôi, cũng đành nói với dân là muốn sống thì phải chịu khó che chắn, không cho ánh sáng lọt ra ngoài. À, thưa anh Sử, trong cuộc họp anh Ma Ring hứa sẽ báo cáo Tỉnh ủy để xin chi viện thuốc sốt rét. Không lẽ bệnh xá B2 tỉnh đội và bệnh xá dân y ở buôn Chư Râm không sớt bớt cho xã một ít ký ninh, một ít thuốc phòng phòng ba, phòng hai hay sao? Như vậy đó các đồng chí. Để ngắn gọn, có ba nhiệm vụ trước mắt, tôi báo cáo đến đâu, các đồng chí nắm bắt đến đó, không có gì phức tạp phải nhắc lại. Bây chừ, đoàn các đồng chí về đây, chi bộ mừng lắm. Rất mong các đồng chí giúp xã sớm ổn định tình hình, tiếp tục sản xuất, chiến đấu.
Đoàn công tác đứng trong đêm tối mờ mờ, dưới những cụm tre. Một không khí căng thẳng, nặng nề bao trùm.
Anh Sử trưởng đoàn lên tiếng:
- Chi bộ các đồng chí có sáu đảng viên phải không?
- Dạ, thưa anh mới kết nạp con Hạnh du kích, vậy là có bảy đảng viên. Hồi mới giải phóng chỉ có ba đảng viên. Anh Lưu Cảnh làm bí thư từ trước đến chừ. Chi bộ chia làm hai tổ, tôi là một phó bí thư, kiêm tổ trưởng tổ một luôn. Tổ trưởng tổ hai là bà Tám Quyền. Còn anh Lê Thọ, đảng viên tổ hai, làm xã đội trưởng, phụ trách trung đội du kích - Đến đây, Khải ngừng lại một lát để hít mấy hơi thuốc, rồi nói tiếp - Thưa các đồng chí, suốt tuần qua, cán bộ trằn lưng ra để ổn định chỗ ở mới cho dân, đến chừ tạm ổn rồi. Đáng lý nghị quyết của chi bộ cũng nêu vấn đề ni thành một nhiệm vụ hẳn hoi. Bàn qua, tính lại, thấy chỗ ở của dân cũng tàm tạm rồi, nên nghị quyết chỉ ghi một câu là tiếp tục củng cố, ổn định chỗ ở cho dân. Rứa thôi.
Một quả 155 ly rớt xuống lòng sông, tiếng nổ của nó đến trước rồi sau đó thấy nước xối xuống bờ tre. Mọi người đều ngồi xuống tại chỗ.
Anh Khải đứng dậy trước, tay rọi đèn pin, nói:
- Tình hình xã đến giờ ni là như rứa. Các đồng chí sẽ tìm hiểu thêm. Bây chừ, các đồng chí theo tôi.
Qua một bãi cỏ tranh rộng, cỏ chỉ cao ngang gối. Đến mảng rừng non, ai cũng rọi pin để thấy đường, lách người qua những cây con cao quá đầu người.
Hà hỏi Hồng Thắm:
- Cô có thuộc vùng này không?
- Dạ đâu có biết vùng này anh - Hồng Thắm trả lời - Trước em ở trong dinh điền, chỗ mô không thuộc. Còn ở đây là rừng, là núi, em cũng lạ như anh thôi.
Chừng mười lăm phút, chắc sắp tới ngả ba cây me, bởi nghe phía trước có tiếng người. Đến nơi. Trước mắt Hà, một cây me cổ thụ, thân to chắc phải bằng hai người ôm. Cành lá to dài, sum suê. Quanh gốc me, đất mòn nhẵn thin, màu đỏ pha cát. Một con đường lớn cắt ngang qua trước cây me. Gọi là đường, chứ thật ra đó là dãi đất trống quang đãng, rộng chừng năm mét, chạy dài không biết đến đâu bởi trong đêm không sao nhìn thấy - Phần đất người đi qua lại có màu bạc thếch, rộng chắc nửa mét. Quang cảnh ở đây lộn xộn, nhốn nháo.
Có tiếng người thét “Bắt nó, bắt nó. Đánh chết cha nó đi” - Rồi không biết đâu có đến hai con bò lớn chạy như tên bắn trên đường qua gốc me. Hai người đàn ông chỉ mặc quần đùi, tay cầm gậy dài chạy đuổi theo hai con bò. Đến bên gốc me, hai người dừng lại, một người vừa thở dốc vừa nói:
- Đục nước béo cò, mấy người ở bên dinh điền Thăng Thạnh, Thiện Hạnh qua đây bắt trộm bò.
Người đàn ông kia nói theo:
- Đứa thì bắt bò dắt đi. Đứa thì dắt bò ra đâu đó làm thịt. Sáng mai, gánh thịt ra bán ở chợ Kim Châu. Tui mà túm được, tui cắt cổ. Chừ thì không biết nó lủi chỗ mô.
Rồi hai người lại đuổi theo bò.
Có hai người, một đàn ông, một đàn bà, đi ngược hướng con bò vừa chạy. Người đàn ông cõng trên lưng một người đàn bà. Ông đặt người đàn bà xuống đất, đỡ lưng dựa gốc cây me. Không biết sao người đàn bà này hai mắt cứ nhắm, tóc rối bơ phờ, đầu nghẻo sang một bên. Hà rọi pin, thấy người đàn bà này đã kiệt sức.
Tối mờ mờ, nên không nhìn rõ mặt ai. Chỉ nghe tiếng người đàn ông cõng người đàn bà nói với đám đông:
- Đây là bà Quế bên thôn bốn. Chiều ni, bà đi chôn một lúc vừa chồng vừa con trai mười lăm tuổi. Chồng bị bom, con bị sốt ác tính. Chôn cất xong, ai cũng về, bà bảo để bà ở lại một chút, rồi về sau. Vậy mà đến nửa đêm, bà còn ngất lịm bên mộ chồng. Du kích đi ngang qua, nhờ ánh sáng đèn dù chiếc C130 thả, nên mới thấy... Tui biết mà, bà đau vì mất chồng, mất con, bà lả người vì suốt ngày không có chút gì trong bụng. Mấy anh có gì để cứu bả không?
Nghe ông nói, anh em trong đoàn mới sực nhớ là đến lúc này, rọi pin xem đồng hồ mới biết đã hai giờ sáng, chưa một ai có hột cơm nào trong bụng. Lấy gì cho bà, bởi chỉ có bắp xay trong ruột nghé.
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc