Từ sông Krông Bông (Kỳ 25*)
Đêm nay trời không mưa, đến mười giờ thì trăng đã lên cao, ai cũng mừng. Thôn hai có đến chừng ba chục người đi cắt lúa đêm. Chỉ không có ông bà già, bọn con nít có đến năm bảy đứa. Tuy không thấy rõ nhưng Hà vẫn nhận ra hầu hết người ta mặc áo bà ba màu đen, màu xám, vài ba người mặc áo Tô châu xin được của mấy anh bộ đội, và hình như chỉ vài ba người mặc quần dài. Bây giờ mọi người tụ tập bên mấy bụi tre rất lớn, sát mép cánh đồng Cò Lư. Ai cũng có kinh nghiệm rồi, hễ nghe pháo đề pa, sau đó nghe tiếng đạn víu víu, người ta biết ngay là nên đứng phía nào bụi tre. Bên bụi tre to đùng như thế, đạn pháo 105 nổ một bên, người ta nấp một bên, thì da thịt cũng không sướt đi chút nào.
Ba quả đạn pháo 105 nổ kế tiếp nhau. Mọi người có vẻ nhốn nháo.
Cánh đồng hiện ra mờ mờ dưới ánh trăng, rộng bát ngát. Thấy xa xa phía tây, lờ mờ ngọn núi cao sau lưng buôn Chàm, ai cũng biết đó là núi Giăng-Gri, Tỉnh ủy Dak Lak đóng quân ngay dưới chân núi. Trên cánh đồng không có mô đất cao nào đáng kể. Vùng đất này quá màu mỡ cỏ lác mọc xen với lúa, nhiều chỗ cỏ lác vượt lên, che phủ phía trên, ban ngày mà chẳng biết cây lúa nằm ở đâu. Ngán nhất là lũ cây ngủ ngày, ở đây ai cũng gọi là cây mắc cỡ, bởi chỉ cần chạm nhè nhẹ, lá nó lập tức xếp lại ngay, vô cùng êm ái. Gốc cây mắc cỡ to bằng ngón tay cái, dây bò to bằng ngón út. Vô số nhánh nhỏ bám chặt vào nhau, đến nỗi khó mà rút ra được một nhánh. Ở thân, ở nhánh, gai nhọn chi chít. Nó là đại họa của ruộng lúa. Nhìn nó từng mảng bện dày, xanh mươn mướt phủ trên mặt ruộng thì chỉ còn một nước là khóc cho cây lúa. Ấy thế mà lúa cũng tốt tơi bời. Chỗ nào ít cỏ lác, không có gai mắc cỡ lúa tốt đã đành. Ngay trong ruột đám mắc cỡ, lúa cũng ngoi lên, bông nào bông nấy cũng nặng tay, chắc hột, mới thấy đã thèm. Vùng nào đất cao ráo, cây đậu xanh cao ngập gối, là to bằng bàn tay. Thật hiếm thấy đất ở đâu mà màu mỡ như ở Khuê Ngọc Điền. Chỉ có một điều chua cay cũng khó có nơi nào sánh là lấy được một hột lúa trong cái bện gai mắc cỡ để có gạo bỏ vô nồi thì hai bàn tay máu chảy ròng ròng. Huống hồ, giờ đây, gặt lúa lại phải vào lúc nửa đêm. Cầu sao cho mấy thằng lính ngoài Phước An ngủ quên, không mổ pháo xuống lưng để ráng bòn được quảy lúa.
Trăng chỉ sáng lờ mờ. Tuy vậy ai cũng nhớ đám ruộng của mình, quen thuộc như lòng bàn tay, từ hình hài, rộng hẹp, đường đi ngang dọc ra sao. Trên cánh đồng thưa thớt hố bom. Mà miếng nào bom rớt xuống thành ao, coi như mùa màng mất trắng. Hố đạn đại bác để lại nhiều hơn và quanh nó, người ta chỉ còn một việc là rọi đèn pin mót lúa, vớt vát được bao nhiêu cũng mừng. Nước ruộng xâm xấp mắt cá chân. Nhiều đám ruộng cao, nước rút, bùn nhầy nhụa. Lâu lâu có đám nước ngập gối hoặc sâu tới bắp vế. Tại đám ruộng nước sâu, dẫu có chịu khó đến đâu, sau khi luồn tay xuống nước, rồi luồn vô gai mắc cỡ để suốt được năm ba nắm lúa, người ta đều lắc đầu chịu thua. Mùa này, phải ngâm nước nửa đêm ốm đau là cái chắc. Bỗng nghe ai kêu la làng đâu đó, rồi chửi tru tréo giữa đồng. Thì ra, có miếng ruộng tốt, không gai mắc cỡ, chẳng biết có đứa nào liều mạng, ra cắt trộm lúc chiều, dưới bụng hai chiếc trực thăng bay thấp như bò trên ruộng. Rồi nghe tiếng nước kêu bì bõm. Có ai đó xách nơm theo, đang chụp cá. Thấy đèn pin quét loang loáng. Đây đó sáng lên mấy đốm sáng từ những điếu thuốc quấn nguyên lá.
Hà cắt lúa trên miếng ruộng của anh Mẹo. Anh Mẹo đang cuốn theo việc cưa bom lép, lấy thuốc bom làm thủ pháo, làm mìn định hướng ĐH10. Anh quyết đổ công đổ sức với anh em công binh tỉnh đội để xin bằng được một trái mìn, diệt cho được một xe GMC chở bọn bảo an. Một mình anh về dinh điền cũ, lò mò vô rẫy, nhổ được bao mì nặng sụn vai, về nhà ném cho hai đứa nhỏ, rồi đi theo công binh biền biệt hai ngày. Anh nhờ người hàng xóm dẫn Hà đến miếng ruộng của anh. Còn Hồng Thắm mấy ngày qua cũng chẳng thấy mặt mũi đâu cả. Cô nói còn nhiều bãi trống chưa cắm chông bố phòng, chỉ gài mìn, chờ nó đổ quân. Khi nghe trực thăng hạ, cứ để bọn bộ binh xuống hết, súng trường CKC của du kích cứ nhè chiếc trực thăng nã đạn, bọn bộ binh hoảng loạn sẽ vướng mìn và sụp hầm chông. Chỉ năm ba viên đạn, du kích ráng kiếm chiếc trực thăng rồi rút lui sớm, chớ đâu có đạn nhiều mà trụ lại. Cô hăng hái giảng giải như vậy. Không biết sự thể đến đâu, nhưng mấy cô cậu du kích má bấm ra sữa, ngó bộ hăm hở lắm.
Qua hai mùa rẫy, Hà đã quen với công việc đồng áng. Cánh đồng bỗng im phăng phắc suốt mấy giờ liền, vì ở xa nhau nên ai cũng chỉ nghe tiếng liềm hái xoèn xoẹt của chính mình. Ông bạn già gần Hà bỗng nói to, đắc chí: “Mấy thằng pháo binh Phước An, chắc gốc gác nội ngoại đều như mình nên biết điều một chút, cứ ngủ thẳng giấc, không nổ pháo bậy bạ nữa”.
Hà cắt hết phần lúa không có gai mắc cỡ. Anh quay bó gom lại. Bó nhỏ thì dùng lúa bó lúa. Bó lớn cho mỗi đầu gánh đã có lạt tre anh Mẹo vót hong khói, gặp nước, lạt rất mềm. Đòn gánh bằng một đoạn cây le to bằng cổ tay, dài một sải. Trong đám người đi gặt đêm nay, chỉ vài ba người dùng đòn gánh cũ đã dùng lâu năm hồi còn dinh điền. Hà nhấc thử gánh lúa lên vai, khá nặng. Anh ước chừng gánh lúa nặng hơn bốn chục kí. Sức anh, gánh bấy nhiêu đã oải rồi. Khi bắt tay rờ đến phần lúa ẩn trong gai mắc cỡ, anh thấy buốt ở bắp chân. Anh cúi xuống kéo vòng dây cao su buộc túm ống quần dài, rọi đèn pin mới phát hiện ra một con đỉa đang ôm phía sau bắp chân. Ống quần bó chặt như vậy, đĩa vẫn len vô được. Con đĩa căng mọng, bụng đầy máu. Anh lấy câu liêm gạt con đĩa đang bám chặt. Khi con đĩa rớt ra, dưới ánh đèn pin, anh thấy máu còn tiếp tục chảy, một thứ màu đỏ bầm bởi lẫn với bùn ruộng. Anh dùng tay áo lau sạch bùn, rút chiếc khăn màu nâu trên vai, ấn mạnh lên chỗ bị đỉa cắn để cho máu mau cầm. Và anh cảm thấy lạnh trong người. Hồi còn ở cơ sở nghiên cứu khoa học, khi lội khảo sát vùng Bình Lục, Hà Nam, anh đã nhiều lần bị đỉa cắn, nên lần này, anh không có cái cảm giác ớn lạnh đến nổi da gà nữa. Máu đã cầm. Hà len tay vô đám gai mắc cỡ, lựa từng gié lúa để tuốt. Bỏ từng nắm lúa vô cái bao ni lông màu xanh. Anh Mẹo dặn chỉ cần đem theo hai bao cát nhỏ thôi, bởi khi gặt xong phần lúa dễ gặt, đến chừng tuốt được một bao thì trời đã sáng. Bà con nói không sai một ly. Hà thấy cả hai bàn tay thay nhau tuốt lúa giờ đã rát bỏng, có phần nhức nhối. Rọi pin, thấy hai bàn tay đỏ máu. Gai mắc cỡ khi châm vào da thịt, nó nằm luôn ở đó, thế mới độc địa. Gai li ti, gỡ rất mất công, rồi lại bị nữa. Một cảm xúc mới lạ dâng lên trong anh. Anh nghĩ: Lo gỡ gai thì trời sáng mất. Thôi thì phải cố chịu đau rát để kiếm bát cơm cho lũ nhỏ, cũng như bà con quanh mình. Cái cô Hạnh lúc đứng cạnh mình bên bụi tre tỏ ra ái ngại khi thấy mình ra đồng gặt lúa. Và cô ấy nói rất có lý: “Gai mắc cỡ châm vô thì không gỡ được đâu. Bởi vì nó nhỏ li ti, dày đặc như lông tay mình. Cứ đưa bàn tay vuốt vuốt, nó bật ra cái nào thì hay cái nớ, còn kệ cha nó. Sáng, về nhà, mình gỡ. Rồi ai cũng quen. Có máu me, coi như bị thương nhẹ khi đi giành lúa gạo với thắng Mỹ. Dân Khuê Điền rứa đó anh. Mà không rứa thì không sống nổi”. Ô, cô ấy nói phải quá. Cánh đồng này rõ ràng như trận địa. Mình đang ở đây với mọi người. Mình rất biết sự có mặt của mình, của anh em cán bộ tỉnh trên cánh đồng sẽ làm cho dân vững dạ, hăng hái thêm lên khi phải lăn vô cái chết để kiếm ăn. Mấy đoạn củ sắn chiều qua đến giờ chắc đã tiêu tan hết, đến mức mình cảm thấy được cái bụng rỗng không, khiến mặt mày xây xẩm. Rồi không khéo bị bệnh phù thủng bởi muối ăn bữa có, bữa không. Sức lực chưa bao giờ tồi tệ như bây giờ. Phải, phải, mình đang lặn lội trong một trường đại học mới, như ông Mácxim Goóc-ki đã gọi tên. Những dự định, mơ ước về công trình khoa học, về học vấn trở nên xa vời quá. Giờ đây, giờ đây... Ờ mà, chẳng biết vì sao anh trưởng đoàn lại nói hay gắt gỏng trong cuộc họp chiều qua giữa chi bộ xã với đoàn công tác tỉnh. Quả vậy, chưa bao giờ anh trưởng đoàn nói gay gắt đến thế: “Làm thằng đảng viên, làm thằng cán bộ cách mạng để làm chi? Mình đang ở giữa dầu sôi, lửa bỏng của cuộc kháng chiến, lại có người chao đảo, dao động, chùn bước. Không được rứa mô. Đã là đảng viên, là cán bộ cách mạng, phải là một thứ vàng ròng. Chúng ta phải gánh cái khổ trước, và khi cần chúng ta chết trước. Để cho dân gồng mình bám trụ. Để cho dân lăn ra ruộng rẫy để kiếm ăn. Để cho dân và du kích lo bố phòng chống giặc. Ngay bây giờ, chúng ta sống là để làm những công chuyện như rứa. Thở ra dao động là tiêu ma hết...”. Ừ, ông ta nói phải, ai cũng như những thỏi vàng ròng. Thế còn mình thì sao? Dù sao, giữa cuộc sống, mình quyết không bao giờ là một thứ vàng giả. Ừ, vẫn biết điều đó không dễ dàng đâu. Phải, mình không bao giờ là một thứ vàng giả. Nhất định thế rồi, nhất định thế rồi - Anh lặng người một lúc rồi nghĩ tiếp như nhấn mạnh: Ồ, hóa ra vào lúc gian nan nhất, cái câu hỏi ngàn đời: “Con người sống để làm gì?” lại cứ xoáy vào tim óc người ta. Chắc mọi người cũng nghĩ như ta, vào lúc này đây, cầm súng chiến đấu làm người, để giành lại cái chúng đã cướp. Phải, một ngàn lần phải...
(còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc