Chuyện đời và thơ của một nữ sĩ được Bác Hồ tặng thơ
Nữ sĩ Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh năm 1916 trong một gia đình nho học tại Hà Nội. Cha bà - ông đồ nho Đỗ Hữu Tài - là người hết sức nghiệt ngã với con gái mình: cấm con học chữ quốc ngữ.
Tuy nhiên, dù bị cấm đoán, bà vẫn quyết tâm học bằng được. Năm mới lên 4 tuổi, nhân nhà hàng xóm dạy chữ quốc ngữ cho con, bé Quế đã giấu nhà, sang hàng xóm xin nhận dọn dẹp nhà cửa để được “học ké”. Với cách học độc đáo đó, cô bé 4 tuổi đầu đã bắt đầu đánh vần được Truyện Kiều, Quan Âm Thị Kính, Nhị Độ Mai… Khi mới lên 6 tuổi, trong một lần tiễn người thân của bố ra sân ga Hàng Cỏ, cô bé đất Hà Thành đã ứng khẩu hai câu thơ: “Tầu về, rồi tầu lại đi/ Khối vô tình ấy nhớ gì sân ga”. Năm lên 9 tuổi, cô đã có thơ đăng báo, bài Vịnh Kiều (trên tờ Đông Pháp) với bút danh Nguyệt Quyên. Năm 13 tuổi, cô trở thành tay viết chuyên nghiệp cho tờ Trung Bắc Tân Văn với bút danh Hạnh Liên-Đỗ Quế Anh; đến năm 16 tuổi cho ra đời cuốn sách “Giọt lệ xuân”, một tuyển thơ văn do Nhà xuất bản Tân Dân ấn loát. Thời đó, tờ nhật báo Phụ nữ Thời Đàm đã dành cả trang ba mục phê bình văn học với tựa đề: “Giọt lệ xuân” với “Nữ sĩ tí hon” Hạnh Liên-Đỗ Thị Quế”. Từ đây, tên tuổi của nữ sĩ dần được khẳng định. Cùng thời gian này, nữ sĩ vào học đàn tại Hàn lâm Âm nhạc do Hội Khai Trí Tiến Đức chủ trì, và theo như ông Lê Thọ Bình thì chính tiếng đàn này đã làm bật lên hai câu thơ trong “Độc hành ca” lừng danh của Trần Huyền Trân: Không dưng lạnh cả tơ đàn/ Này cung dâng áo ngự hàn là đây…
Nữ sĩ Ngân Giang |
Có tài thơ phú bẩm sinh, lại xinh đẹp, họa hay, đàn giỏi, thêu thùa khéo, nữ sĩ Ngân Giang luôn là niềm ao ước của không biết bao tao nhân mặc khách đất Bắc Hà. Nhưng “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”, nữ sĩ không thoát khỏi cái vòng trầm luân khắc nghiệt ấy. Bản thân nữ sĩ cũng ý thức được điều ấy khi bà viết: “Mỗi bước chân đi mỗi bước sầu/ Trăm năm thân thế gửi về đâu” (Hoài cảm). Chưa đầy 18 tuổi, trong lòng nữ sĩ đã xuất hiện bóng dáng chàng hiệp sĩ cách mạng mặc áo choàng đen. Nhưng ông bố khắc nghiệt không muốn con khổ ải, phiêu lưu nên sớm ép con yên bề gia thất. Dụ dỗ ngon ngọt không được, ông dùng vũ lực. Lên xe hoa về nhà chồng, nữ sĩ quay đầu về phương trời xa, nơi người ấy ra đi tạ tội: “Ngày chửa sang thu đã thấy buồn/ Tình chưa ngời sáng đã hoàng hôn/ Trời không mưa gió lòng mưa gió/ Người ở đầu thôn mộng cuối thôn”. Tổ ấm gia đình không giữ được con tim sôi nổi ưa hoạt động của nữ sĩ. Bà tìm đến với phong trào cách mạng. Năm 21 tuổi, bà khăn gói vào Sài Gòn và thường xuyên cộng tác với báo Mai, Điện Tín với bút danh Hạnh Liên, nội dung hô hào quần chúng đấu tranh đòi tự do, dân chủ nhân dịp “Mặt trận Dân chủ Nhân dân” ra đời. Cùng lúc nữ sĩ in chung cùng các bạn cuốn “Duyên Văn”.
Sau gần nửa năm trên đất Sài Thành, nữ sĩ trở về Hà Nội và thường xuyên cộng tác với các báo Tiểu thuyết Thứ bảy, Đàn Bà, Phổ thông bán nguyệt san. Năm 1939, bài thơ Trưng Nữ Vương ra đời và ngày càng để lại tiếng vang. Năm 1940, một đêm nữ sĩ nằm mơ thấy rồng vàng xuất hiện và lượn quanh nữ sĩ hai lần rồi bay lên trời xanh và biến vào dải ngân hà; từ đó bà lấy bút danh Ngân Giang. Ba năm sau, tập thơ “Tiếng vọng sông Ngân” với bút danh Ngân Giang đã đưa nữ sĩ lên vị trí những người được yêu thích nhất trên thi đàn Việt Nam thời bấy giờ. Những năm tháng ấy, nữ sĩ còn hăng hái tham gia “Mặt trận Việt Minh”, “Phụ nữ cứu quốc”. Giữa năm 1945 thì bị bọn Nhật bắt giam. Sau khi được thả, nữ sĩ lại tiếp tục hoạt động chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa với chị Hoàng Ngân (vị hôn thê của đồng chí Hoàng Văn Thụ). Cách mạng Tháng Tám thành công, Ngân Giang phụ trách phòng khách sảnh Trung ương, đến đầu năm 1946 sang công tác ở Ban lễ tân Bộ Nội vụ. Thời gian này, nữ sĩ nổi tiếng với bài “Xuân chiến địa” và dùng khả năng thêu của mình thêu bức trướng lớn với những câu thơ đầy khí phách “Ta say uy võ Trần Hưng Đạo/Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh” và tặng Cụ Hồ nhân dịp Xuân Bính Tuất 1946. Cảm động trước tấm lòng nhiệt huyết của nữ sĩ, Bác Hồ đã đáp lại bằng hai câu thơ: “Mấy lời cảm tạ Ngân Giang/ Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”.
Năm 1947, nữ sĩ Ngân Giang lên chiến khu Việt Bắc, lại hăng hái hoạt động, làm thơ tuyên truyền nhân dân ủng hộ cho công cuộc kháng chiến trường kỳ. Năm 1949, nữ sĩ cùng các con thơ trở về Hà Nội. Không nơi nương tựa, thân gái bơ vơ, nữ sĩ đành đi tiếp bước nữa với con trai Tuần phủ Hà Đông. Tuy vậy, lòng nữ sĩ vẫn luôn hướng về Việt Bắc: “Gác xép mơ màng tin quốc sự/ Ngày về mãi mãi nhớ lời nhau”. Thời gian này, nữ sĩ đã dùng hết tâm cơ và trí tuệ để cứu đồng chí Cao Phi (sau công tác tại Bộ Nội vụ), nhạc sĩ Đỗ Nhuận, ông Nguyễn Bảo khỏi cái chết trong gang tấc trong trụ sở của bọn Quốc dân đảng ở Mai Hắc Đế hồi ấy.
Kháng chiến chống Pháp thành công, sau một thời gian công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội, nữ sĩ bắt đầu gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống. Bất chấp mọi khó khăn, miệng tiếng thị phi, nữ sĩ Ngân Giang vẫn vượt lên tất cả để sống đầy nghị lực, cứ thản nhiên, nhi nhiên sống (chữ dùng của Lê Thọ Bình) “Sớm khuya ngâm ngợi câu thành bại/ Dưa muối đôi chiều cũng thấy ngon”.
Nữ sĩ Ngân Giang qua đời vào ngày 17-8-2002. Dù mất đi nhưng bà đã để lại cho đời hơn 4.000 bài thơ vừa trữ tình sâu lắng, vừa uyên bác thâm trầm của một nữ sĩ có tài, có sắc mà lắm truân chuyên…
Nguyễn Thị Thọ
Ý kiến bạn đọc