Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo mặt nạ gỗ của người Cơ Tu

09:17, 14/11/2014

Người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn đến nay vẫn còn bảo lưu nghệ thuật điêu khắc và tạo hình trên gỗ hết sức độc đáo. Nghệ thuật này hiện diện trong đời sống văn hóa, đời sống tinh thần, tâm linh - tín ngưỡng của người dân Cơ Tu; trong đó, những tác phẩm mang đậm dấu ấn nghệ thuật nguyên thủy chính là những chiếc mặt nạ bằng gỗ…

Cũng như một số dân tộc thiểu số khác ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, với người Cơ Tu mặt nạ xuất hiện từ rất lâu đời, là dụng cụ mang chất tín ngưỡng, ma thuật, thường được các chiến binh xưa dùng trong chiến đấu. Mặt nạ không chỉ là vật bảo vệ, xua đuổi “ma xấu” cho cộng đồng làng mà còn làm cho các Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), nhà mồ của người Cơ Tu có vẻ đẹp khác biệt, ghi dấu trí tưởng tượng phong phú, phản ánh đời sống văn hóa tâm linh, trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu trong cấu trúc Gươl và nhà mồ của đồng bào Cơ Tu vùng núi Quảng Nam.
Một số mặt nạ của người Cơ Tu tại Bảo tàng Quảng Nam.
Một số mặt nạ của người Cơ Tu tại Bảo tàng Quảng Nam.

Để đục đẽo, chạm trổ những chiếc mặt nạ, người Cơ Tu thường chọn những đoạn cây gỗ có chiều rộng từ 20-25 cm, chiều dài từ 30-35 cm. Chỉ bằng những công cụ đơn giản như con dao nhọn và chiếc mác, những thân cây lớn đã được đẽo gọt thành các tác phẩm nghệ thuật. Với những nhát gọt chính xác, dứt khoát, không chi tiết cầu kỳ, mặt nạ gỗ mang tính biểu tượng cao. Những bộ phận chính trên mặt nạ như: mắt, mũi, miệng và cả những chi tiết khác như trán, má, cằm... được cách điệu với đường nét tạo hình hết sức hoang sơ. Chỉ với một đường khoét lõm ở đuôi mắt, một đường cong trên má, đủ để thể hiện được tính cách của chiếc mặt nạ: hung dữ hay hiền lành. Mặt nạ xuất hiện trong nghệ thuật truyền thống của nhiều tộc người, song ở người Cơ Tu, chúng có sắc thái riêng trong tạo dáng và chạm trổ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài nghệ gọt đẽo và sử dụng sắc màu để tạo nên một chiếc mặt nạ hoàn hảo. Màu đen, đỏ, trắng là những màu chính thường dùng trong hội họa truyền thống của người Cơ Tu và cũng là sắc màu cơ bản thể hiện trên mặt nạ. Tùy theo tính cách của mỗi chiếc mặt nạ mà người nghệ nhân có cách phối màu, tô vẽ riêng nhằm tạo ra nhiều khuôn mặt với nét đặc trưng, biểu cảm khác nhau.

Mặt nạ gỗ của người Cơ Tu được chia thành hai dạng hình cơ bản: loại dữ, ác và loại hiền lành. Với hai loại mặt nạ dữ và hiền cho thấy, trong đời sống tâm linh của người Cơ Tu, họ tin rằng luôn có sự tồn tại giữa người ác, người xấu bên cạnh người tốt bụng, hiền lành - như hai mặt đối lập của cuộc sống. Mặt nạ gỗ không phải là vật vô tri, vô giác mà phản ánh tâm tưởng của đồng bào muốn vươn tới cuộc sống thiện lành, xóa bỏ, ngăn chặn điều dữ ác, tai ương. Chiếc mặt nạ hung dữ là biểu hiện của cái ác, dân làng phải đề cao cảnh giác; ngược lại, mặt nạ hiền lành thể hiện niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, thể hiện khát vọng được sống trong một xã hội yên lành, khang ninh.

Ngày nay, còn rất ít những nghệ nhân Cơ Tu có thể sáng tạo những tác phẩm mặt nạ gỗ. Vì thế, mặt nạ gỗ của người Cơ Tu ngày càng ít xuất hiện, chỉ còn lại rải rác một số ở thôn bản vùng cao của tỉnh Quảng Nam như các huyện: Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang...

Mai Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.