Multimedia Đọc Báo in

Nhà mạng tái khởi động dự án “buôn” WiFi

10:47, 14/09/2012

Trong khi mạng 3G chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng băng thông lớn của người dùng mà mạng 4G LTE còn ở "thời tương lai", một số doanh nghiệp viễn thông đã bắt đầu phát triển hoặc nghiên cứu đưa ra các dịch vụ Internet WiFi và dự báo thị trường này sẽ rất "nóng" trong thời gian tới…

 

Dịch vụ WiFi xuất hiện trở lại khi mạng 3G không đủ đáp ứng

Năm 2005, FPT Telecom bắt đầu phát triển dự án WiFi hoàn toàn miễn phí cho các toà nhà, nhà hàng, quán cà phê, và ở thời điểm "nóng" nhất, FPT đã phát triển tới gần 10.000 điểm WiFi tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Mặc dù vậy, đến năm 2008 dự án đã phải dừng vì thiết bị truy cập WiFi lúc đó đa số là laptop, số người dùng chưa nhiều và giải pháp cũng chỉ mới cung cấp dịch vụ indoor (trong nhà), đặt chủ yếu ở các địa điểm công cộng (quán cà phê) cũng như không quen phải nhập mật khẩu username/password vì đa số họ quen kết nối WiFi là tự động vào luôn, không phải dùng mật khẩu.

Tuy nhiên, sau 4 năm, số lượng thiết bị có khả năng truy cập WiFi ở Việt Nam đã tăng với tốc độ chóng mặt, cụ thể, theo số liệu của GfK Việt Nam, năm 2011 số lượng laptop được bán ra ở Việt Nam tăng tới 38% so với năm 2010 và dự báo sẽ tiếp tục tăng 17% trong năm 2012. Bên cạnh đó, trong năm 2011 giá trị thu được từ smartphone chiếm đến 32,2% tổng giá trị của điện thoại di động bán ra ở Việt Nam. Đó là chưa kể đến sự “bùng nổ” của thị trường máy tính bảng khi người dùng chỉ việc bỏ ra gần 1,5 triệu đồng là có thể sở hữu. Chính vì thế, từ cuối năm 2011 đến đầu 2012, Internet WiFi đã được các doanh nghiệp triển khai. Cụ thể, cuối tháng 2-2012, Sở TT&TT Quảng Nam phối hợp với VDC Khu vực 3 (thuộc Công ty VDC, Tập đoàn VNPT) và Viễn thông Quảng Nam lắp thêm 350 trạm phát sóng WiFi trên toàn thành phố. Hay ngày 2-5-2012, dịch vụ Internet WiFi tại TP. Hạ Long đã được khai trương do Tập đoàn VNPT thực hiện, dự kiến đến năm 2015 sẽ phủ sóng WiFi toàn bộ các thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh. 

Trước đó, cuối năm 2011, dịch vụ Internet không dây One wireless và dịch Internet WiFi trả trước của NetNam cũng đã được triển khai tại Hà Nội và 1 số địa phương khác. Tính đến tháng 9-2012, NetNam đã có khoảng 2.500-3.000 thuê bao Internet WiFi tại khoảng 15 trường đại học. "Dự kiến từ 1-2 năm nữa, NetNam sẽ hòa vốn đầu tư Internet WiFi", ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty NetNam cho biết. Lý giải cho sự xuất hiện trở lại của Internet WiFi, ông Bình và đại diện FPT Telecom cho rằng, mạng 3G phát triển cùng lúc với sự gia tăng "chóng mặt" của các thiết bị smartphone, taplet, laptop cũng như nhu cầu của người dùng về phim ảnh, tải dữ liệu ngày càng lớn nên đòi hỏi một lượng băng thông rộng rất lớn mà mạng 3G ngày càng không thể đáp ứng được. Ngoài ra, công nghệ WiFi hiện nay đã cho phép phủ sóng trong phạm vi xa hơn trước rất nhiều (có thể phát xa và mạnh gấp 12 lần những bộ phát sóng WiFi truyền thống chuẩn g). Vì thế, việc lựa chọn công nghệ WiFi gần như là sự lựa chọn "bắt buộc" khi chưa có 4G LTE.

Đa dạng cách kiếm tiền từ dịch vụ WiFi

Theo ông Bình, do Internet hiện đã rẻ đến mức các quán cà phê, văn phòng sẵn sàng miễn phí nên sẽ rất khó thu tiền nếu đầu tư trên diện rộng mà phải tập trung cung cấp ở những khu tập trung. Với những ưu thế về phần mềm nguồn mở quản lý tự "chế" kết hợp với việc tự xây dựng hệ thống WiFi tùy theo quy mô, đặc điểm của từng trường (địa hình, số lượng sinh viên) thay vì dùng hệ thống sẵn có của các hãng như HP, Cisco... cung cấp nên đã tiết kiệm được đáng kể chi phí đầu tư mà vẫn đạt được hiệu quả cao.

Đại diện FPT Telecom cũng cho biết, đơn vị này đang nghiên cứu việc triển khai Internet WiFi và nếu thực hiện kế hoạch kinh doanh thì dịch vụ sẽ được cung cấp tại một số điểm tập trung đông người mà người dùng phải lưu lại lâu như khách sạn, bệnh viện, chung cư... Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho biết, để kinh doanh được Internet WiFi, ngoài cung cấp cho những khu tập trung, các doanh nghiệp di động có thể trồng các cột WiFi để chống nghẽn cho mạng 3G ở những nơi mà lưu lượng 3G bị nghẽn thông qua việc tự cung cấp hoặc hợp tác với một doanh nghiệp Internet. Một số doanh nghiệp viễn thông lớn đã bắt đầu có những dự án lớn về WiFi để chia tải cho mạng 3G tại những khu vực, khu phố có mật độ dân cư đông thay vì phải kích sóng hay trồng thêm trạm BTS. Một số nước như Hồng Kông, Singapore..., trong quá trình chuẩn bị chuyển đổi lên 4G LTE, các nhà mạng cũng đã bổ sung WiFi để chia tải cho 3G. Khi đó, các nhà mạng di động có thể đưa ra các gói cước mới bao gồm dung lượng 3G và WiFi thay vì gói cước thuần 3G như hiện nay với mức giá chênh lệch khoảng 20.000-30.000 đồng. Trong thời buổi các gói cước 3G của các nhà mạng na ná nhau, việc đưa ra một gói cước mới, khác lạ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho đơn vị cung cấp. Còn việc cung cấp Internet WiFi "gián tiếp" theo kiểu phủ WiFi cho cả thành phố như Quảng Ninh hay Quảng Nam đang làm để phát triển du lịch là hình thức chủ yếu mang tính chất "chính trị" và sẽ rất khó kinh doanh theo kiểu thu phí người sử dụng. "Do độ phủ trên diện rộng nên các đơn vị khai thác chỉ có thể thu lại thông qua tiền thuế của ngành du lịch vì khi đó, WiFi giống như một tiện ích kèm theo để kích thích phát triển du lịch địa phương", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Ngoài ra, chi phí đầu tư cho 4G LTE hiện cũng rất tốt kém mà độ phủ cũng chưa thực sự tốt do mới trong thời gian đầu phát triển. Vì thế sẽ phải mất từ 3-4 năm nữa, Việt Nam mới thực sự tính đến việc đầu tư phát triển 4G LTE. "Trong thời gian ngắn sắp tới, câu chuyện Internet WiFi sẽ rất "nóng" khi mà chỉ mất 2-3 năm để kịp thu hồi vốn trước khi đưa ra 4G LTE", vị chuyên gia này cho biết thêm.

Nguồn ICTnews


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.