Multimedia Đọc Báo in

Sương khói Túy Vân sơn

14:49, 12/06/2012

Cách thành phố Huế chừng 50km về phía nam, Túy Vân, hay còn được gọi là Núi Rùa (xã Vinh Hiền, Phú Lộc) có sự tinh khiết, trong trẻo gần như tuyệt đối của một vùng trời, nước và đảo hoang sơ, ít dấu chân người.

Tấm bia khắc dòng chữ “Túy Vân Sơn” trước lối vào chùa
Tấm bia khắc dòng chữ “Túy Vân Sơn” trước lối vào chùa

Du khách đến tham quan núi Túy Vân thường đi theo hai đường: từ thành phố Huế về Thuận An, rồi theo đường ven biển để đến núi, hoặc từ Huế qua quốc lộ 1A về Đá Bạc, đi đò máy qua đầm Cầu Hai, quãng đường khoảng 30km.

Đường lên chùa Túy Vân
Đường lên chùa Túy Vân

Túy Vân là một ngọn núi nhỏ gần cửa Tư Hiền, ngày xưa có tên gọi là Mỹ Am Sơn. Núi có dáng  đẹp, trong một lần chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đi qua đây, thấy phong cảnh thơ mộng, hữu tình, bèn lập một ngôi chùa nhỏ làm nơi cầu phúc cho dân địa phương. Đến đời vua Minh Mạng, chùa được cho xây dựng lại và đổi tên là chùa Tuý Ba. Năm vua Minh Mạng thứ 17 (1837), chùa được trùng tu và xây dựng thêm lầu. Đến năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), chùa được tiếp tục trùng tu và đổi tên thành chùa Tuý Vân.

Gian thờ tự phía trong chùa
Gian thờ tự bên trong chùa

Cửa Tư Hiền nằm giữa hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình nơi thông phá Tam Giang, Cầu Hai với biển Đông. Theo sử sách kể lại, cửa biển này xưa thuộc về đất nước Chiêm Thành, đời Lý gọi là Ô Long. Đến đời Trần, vua Nhân Tông (1306) gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, đưa công chúa tới đây, nên cửa biển này được đổi tên thành Tư Dung. Dùng hai chữ “Tư Dung” để đặt tên cho cửa biển này, ý người Việt lúc bấy giờ muốn ghi lại cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm và công chúa Việt, nhưng mặt  khác cũng nhằm tưởng nhớ công ơn khách má hồng đã biết hy sinh hạnh phúc riêng tư cho việc mở mang bờ cõi. Đế vương các đời như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Anh Tông, Trần Duệ Tông đều đem quân qua đây. Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông ngự giá chinh Chiêm, khi nghỉ chân tại cửa bể này có làm bài thơ "Tư Dung hải môn lữ thứ" , trở thành áng thơ hay lưu danh hậu thế. Về sau, cửa Tư Dung cạn dần, chiến thuyền từ biển đi vô không được, hiểm hoạ ngoại bang đánh úp kinh thành Huế vì vậy khó xảy ra nên triều Nguyễn đặt lại cái tên là Tư Hiền.

Chùa Túy Vân
Một góc chùa Túy Vân

Vua Thiệu Trị liệt Tuý Vân vào thắng cảnh của đất thần kinh trong bài thơ "Vân Sơn thắng tích" và cho khắc bia đá dựng bên chùa đặt tên "Linh Thái, Túy Vân hệ nhị quốc gia chi thắng cảnh" (Linh Thái, Tuý Vân đều là thắng cảnh của quốc gia).

Những bậc tam cấp dẫn lên tháp Điều Ngự
Những bậc tam cấp dẫn lên tháp Điều Ngự

Trên đỉnh Túy Vân còn có ngọn tháp ba tầng là Điều Ngự. Đứng ở tầng 2 và 3, có thể nhìn thấy hết toàn cảnh huyện Phú Lộc. Giữa lưng chừng núi là chùa chính, dưới chân núi còn có ngôi Chùa Lớn làm chỗ ở cho chư tăng, trước và sau chùa có nhiều cây lá sum suê. Đặc biệt, hai bên lối đi lên tháp Điều Ngự là hàng tam cấp dài bằng đá, hai bên có nhiều cây thông cổ thụ sừng sững của khu rừng nguyên sinh với những ngôi miếu cổ rêu phong cổ kính.

Tháp Điều Ngự
Tháp Điều Ngự qua hàng trăm năm mưa nắng giữa đất trời

Giữa bốn bề lau lách, u tịch là tháp cổ Điều Ngự màu hồng  3 tầng sừng sững trên đỉnh núi cao. Trên tầng tháp cao 15m này nhìn ra 3 phía, từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát hệ núi Bạch Mã cao 1.500m với màu xanh bạt ngàn, hùng vĩ.

Làng quê thanh bình dưới chân núi
Làng quê thanh bình dưới chân núi

 

Đầm Phú lộc nhìn từ núi Túy Vân
Đầm phá Phú lộc nhìn từ núi Túy Vân

Cũng từ tháp, du khách có thể phóng tầm mắt về phía hệ đầm phá Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á, nơi mang lại nguồn lợi thuỷ hải sản cá tôm nước lợ của mảnh đất Thừa Thiên.

L.H (giới thieu)

 


Ý kiến bạn đọc