Multimedia Đọc Báo in

Khi nhà báo làm... thơ

15:27, 23/06/2021

Viết báo và làm thơ là hai lĩnh vực khác nhau. Thế nhưng hai thế giới ấy lại tồn tại song song trong tâm hồn và sự nghiệp của những người vừa viết báo vừa làm thơ. Nhà thơ - nhà báo Đặng Bá Tiến là người như thế.

Đặng Bá Tiến vốn là một thầy giáo dạy thể thao nhưng có niềm đam mê cháy bỏng với văn chương. Thế nhưng ông lại bén duyên với nghề báo, rồi lại trở thành một nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng. Năm 1988, rời quê hương Hà Tĩnh ông vào Tây Nguyên lập nghiệp và trở thành phóng viên Báo Đắk Lắk.

Những chuyến đi thực tế, những cuộc gặp gỡ càng làm ông say mê hơn với nghề báo. Sau 4 năm gắn bó với Báo Đắk Lắk ông về làm Trưởng Đại diện Báo Lao động tại Đắk Lắk cho đến khi nghỉ hưu. Năm 2012, ông lại tiếp tục giữ vai trò là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk cho đến cuối năm 2020.

Nhà thơ - Nhà báo Đặng Bá Tiến. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà thơ - Nhà báo Đặng Bá Tiến. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hơn 30 năm công tác, gắn bó với nghề báo đã cho ông nhiều trải nghiệm và vốn sống để giúp ông có những tác phẩm báo chí đoạt giải cao, được dư luận xã hội quan tâm như: phóng sự “Ở nơi thượng nguồn”, “Rừng ơi là rừng”.... Trong quá trình làm báo, với năng khiếu văn chương sẵn có ông vẫn dành những không gian, thời gian riêng để sống cùng đam mê sáng tạo nghệ thuật. Ông tâm sự: “Tình yêu với báo chí, văn học và nhiếp ảnh như trời cho một cách đồng thời. Ba thứ đó hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, vì thế, tôi không xem nhẹ lĩnh vực nào. Với tôi, làm báo được đi nhiều, tiếp xúc nhiều và cũng ngắm được nhiều cảnh đẹp, chính những điều đó đem lại cảm xúc chân thật cho mình khi làm thơ, viết truyện. Khi làm thơ, viết văn rất cần mơ mộng, lãng đãng. Nhưng nếu dựa trên sự thật thì người đọc sẽ tin tưởng hơn, được trải nghiệm nhiều hơn”.

Vốn là một nhà báo, được đi nhiều và tiếp cận nhiều với hiện thực đời sống nên thơ của ông giàu chất thời sự, ôm chứa nhiều cảnh đời và cuộc sống bộn bề với biết bao suy tư, trăn trở. Hiện thực đất nước, nhất là vùng đất Tây Nguyên được ông đưa vào thơ rất chân thành và sâu sắc: Rừng Bản Đôn nổi tiếng linh thiêng/ mấy thế kỷ sau tiếng tù và còn vọng/ giữa rừng đêm lúc trầm lúc bổng/ như ru cây, ru muông thú ngủ yên lành/ như người gác rừng chưa khuất/ vẫn cầm canh/ giữ cho rừng bình yên mãi mãi!” ( tập thơ “Rừng cổ tích”)...

 Nghề báo nhiều nghiệt ngã, đôi khi phải “sống chết” với chính bài viết của mình. Vì lẽ trung thực, nên ông đã mượn thơ để tự nói với chính mình và cũng là gửi gắm tâm tư đến những đồng nghiệp: “Tuần này ở Esup, tuần sau tới Đăkmin/ Nghề mình là săn tin xin bạn đừng mỏi gối/ Cơn mưa chiều biên giới chưa buốt lưng một lần/ làm sao tả thấu chiến sĩ mình gian truân/ Chưa biết vị rượu cần nhà dân chưa đêm ngủ/ thì bạn ơi phóng sự/ chỉ chạm điều khơi khơi/ Ngồi uống rượu trên trời/ mong viết hay dưới đất/ như yêu người chưa gặp cưới dễ thành vô duyên/ Sẽ không có thẩm quyền và niềm tin người đọc/ nếu lòng như nước ốc/ Viết để làm ngoại giao” (Nghề mình)…

Thật khó mà nói cho hết về câu chuyện nhà báo làm thơ, vì mỗi người mỗi vẻ, nhưng điều dễ nhận thấy, đó là dù hai thế giới khác biệt, nhưng nó lại chung sống với nhau trong một con người như là định mệnh. Với nhà thơ – nhà báo Đặng Bá Tiến cũng thế, viết báo làm thơ đã trở thành duyên phận!

Thúy An