Bảo tồn động, thực vật hoang dã: Đừng để thành rừng lặng! (Kỳ I)
Thời gian qua, vấn nạn khai thác, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ các loài động, thực vật hoang dã nói chung và động thực vật nguy cấp, quý hiếm ngày càng gia tăng. Cùng với áp lực do môi trường sống bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu đã phá hủy hệ sinh thái, gây ảnh hưởng nặng nề đến các quần thể loài động thực vật và môi trường nói chung.
Kỳ 1: Hồi chuông báo động
Từ lâu, các khu rừng ở Đắk Lắk được xem là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong sách đỏ của thế giới. Trong đó, có nhiều loại thực vật quý hiếm như cẩm lai, trắc, giáng hương, thông 5 lá, trầm hương, thông nước và nhiều loài động vật có giá trị, loài thú lớn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như voi, hổ, bò tót…
Đa dạng động, thực vật hoang dã
Toàn tỉnh hiện có 4 khu bảo tồn (Khu dự trữ thiên nhiên Nam Ka, Khu bảo vệ cảnh quan hồ Lắk, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô, Khu bảo tồn loài - sinh cảnh thông nước) và 2 Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, Chư Yang Sin) với 1.825 nguồn gen thực vật và 618 nguồn gen động vật; trong đó có nhiều nguồn gen quý hiếm. Hệ động vật phong phú về số lượng loài và số cá thể; riêng hệ thực vật phải kể đến sự đa dạng của các nhóm thực vật ngoài gỗ khác như hệ nấm, địa y, rêu, tre lồ ô, song mây có giá trị kinh tế cao về dược liệu, thực phẩm, vật liệu… Sự phân bố của các loài động, thực vật nói trên khá rộng, hầu hết ở những vùng thảm thực vật vừa mang tính chất nhiệt đới, cận nhiệt đới và á nhiệt đới núi cao, vừa có rừng nhiệt đới ẩm thường xanh cây lá rộng, rừng khộp hay rừng nửa rụng lá.
Đoàn cán bộ Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khảo sát hệ sinh thái rừng khộp VQG Yok Đôn. |
Đơn cử như ở Khu BTTN Ea Sô, đây được xem là nơi bảo tồn các loài bò hoang dã (bò rừng, bò tót) không chỉ riêng cho Tây Nguyên mà cho cả Việt Nam trước nguy cơ bị tiêu diệt cao. Được biết, trên phạm vi toàn quốc chỉ ghi nhận được 4 vùng có bò rừng thì Đắk Lắk có đến 2 vùng gồm VQG Yok Đôn và Khu BTTN Ea Sô. Riêng Khu BTTN Ea Sô có khoảng 60 cá thể bò rừng, phân bố rộng trong các sinh cảnh trảng cỏ, cây bụi; loài bò tót được ghi nhận là hay xuất hiện ở các tiểu khu 617, 629, 637… ở khu vực rừng khộp và đôi khi tiếp cận đến sát đường quốc lộ 29. Ngoài ra, ở đây đã phát hiện loài rùa trung bộ (Mauremys annamensis) vô cùng quý hiếm, thuộc họ rùa đầm. Đây là loài rùa nước ngọt, con trưởng thành nặng khoảng 1-2 kg, thường sống ở các đầm lầy và ao, hồ nhỏ; là loài đặc hữu của một vùng nhỏ ở miền Trung. Rùa trung bộ được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào nhóm nguy cấp (EN), Sách đỏ Việt Nam xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xếp loài thuộc nhóm IIB. Hay như ở VQG Yok Đôn ngoài việc phát hiện 10 đàn voi hoang dã với số lượng khoảng 83-110 cá thể được giám sát, quản lý bảo tồn trong các khu sinh cảnh ổn định ở VQG, các lâm phận ở bắc huyện Ea Súp thuộc các công ty lâm nghiệp Ya Lốp, Ea H’Mơ, thì trong số 56 loài động vật quý hiếm của khu vực Đông Dương thì Yok Đôn có đến 36 loài và 17 loài được ghi trong sách đỏ thế giới. Đây còn là khu vực duy nhất ở Việt Nam có nhiều động vật quý tập trung với số lượng lớn như bò rừng, báo, nai cà tông, kỳ đà nước và cũng là một trong những vùng bảo tồn chim quan trọng của nước ta. Hệ thực vật với hơn 100 loài cây làm thuốc, hàng chục loài làm cảnh và cung cấp nguyên liệu đan lát, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm. Đây là VQG duy nhất ở Việt Nam bảo tồn kiểu rừng cây họ dầu như cây dầu xà ben và cây dầu lông.
Nguy cơ tuyệt chủng các loài quý hiếm
Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, hiện nay, bất chấp lệnh cấm, nhiều loài động thực vật hoang dã quý hiếm vẫn bị người dân đánh bắt, mua bán và làm thịt khiến nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Nằm trong khu vực có độ cao từ 500-2.400 m, VQG Chư Yang Sin có các kiểu thảm thực vật rất đa dạng từ kiểu rừng bán thường xanh và thường xanh đất thấp ở các đai dưới 800 m đến các kiểu rừng trên núi, rừng lá kim và rừng thưa ở các đai trên 800 m. Về động vật rừng ở VQG Chư Yang Sin có đến 487 loài thuộc 106 họ, 30 bộ ở 5 lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái và cá. Trong đó đến 68 loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa ở cấp quốc gia và quốc tế. Xếp theo tiêu chuẩn quốc tế của IUCN thì có đến 25 loài quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu; theo Sách đỏ Việt Nam có đến 45 loài có nguy cơ tuyệt chủng và quý hiếm (thuộc nhóm CR, EN và VU (sắp nguy cấp)); theo Nghị định 32 thì có 48 loài thuộc nhóm IB và IIB. Về thực vật, rừng ở VQG Chư Yang Sin có đến 891 loài thuộc 150 họ, 58 bộ ở 9 lớp thuộc 6 ngành thực vật như dây gấm, dương xỉ, mộc lan, thông, thông đất và tuế, với 61 loài quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa cao ở cấp quốc gia và quốc tế; trong đó, theo tiêu chuẩn quốc tế của IUCN thì có 6 loài quý hiếm, nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu (thuộc nhóm CR, EN và VU); theo Sách đỏ Việt Nam có đến 35 loài có nguy cơ tuyệt chủng và quý hiếm (thuộc nhóm CR, EN và VU) và theo Nghị định 32 thì có 7 loài thuộc nhóm IA và IIA. Hay như ở Khu BTTN Ea Sô, về thực vật có 716 loài thuộc 141 họ, 47 bộ, ở 7 lớp thuộc 5 ngành là dây gấm, dương xỉ, ngọc lan, thông đất và tuế; động vật hoang dã có 279 loài thuộc 92 họ, 29 bộ ở 4 lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái; điều này cho thấy Ea Sô chứa đựng một hệ sinh thái quan trọng với nhiều loài quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa và đặc hữu của vùng Tây Nguyên.
Có thể nhìn nhận rằng, số lượng cũng như tổng số các loài động, thực vật hoang dã ở Đắk Lắk đang giảm đi với tốc độ đáng báo động do đứng trước nhiều biến động từ việc săn bắn động vật, di dân tự do, ảnh hưởng của chất độc hóa học và các chương trình phát triển kinh tế về cây công nghiệp, làm đường, thủy điện… Trên thực tế, mỗi ngày không thể thống kê hết có bao nhiêu động vật hoang dã trở thành món khoái khẩu trên bàn nhậu hay dùng để chữa bệnh như lời đồn thổi; cũng có không ít những loài gỗ quý hiếm bị “xẻ thịt” để đáp ứng thú vui tao nhã của các đại gia chịu chơi. Nguy hiểm hơn, mỗi năm hàng ngàn héc ta rừng, là nơi trú ngụ của các loài động vật bị tàn phá, dẫn đến nạn tuyệt chủng. Hệ lụy kéo theo đó không chỉ là suy giảm đa dạng loài mà còn dẫn đến việc nhiều đàn thú rừng như voi rừng kéo về phá nát nương rẫy của người dân để tìm nguồn thức ăn, nước uống…
(còn nữa)
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc