Chung tay bảo vệ môi trường nông thôn
Gần 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, mô hình “Chi hội nông dân vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe cộng đồng” ở thôn Cư Blang, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi ý thức, hành vi bảo vệ môi trường sống của người dân địa phương.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh thôn Cư Blang, chỉ khu vực trước đây là điểm ô nhiễm môi trường vì rác thải, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Trưởng Ban điều hành mô hình Y Hăn Niê cho biết, trước đây vì thiếu kiến thức vệ sinh môi trường nên phần nhiều người dân thôn Cư Blang xây dựng chuồng trại chăn nuôi liền sát khu vực nhà ở, rác thải sinh hoạt thì vứt bừa bãi, gây mất mỹ quan đường làng ngõ xóm, ô nhiễm nhiều nơi, ảnh hưởng tới cộng đồng; bên cạnh đó một số người dân còn thờ ơ với công tác vệ sinh môi trường của gia đình cũng như của thôn xóm, chưa xây dựng các công trình vệ sinh cho gia đình mình...
Hội viên Chi hội nông dân thôn Cư Blang tham gia bê tông hóa sân Nhà sinh hoạt cộng đồng. |
Từ thực trạng trên, tháng 9-2018, Hội Nông dân tỉnh phối hợp Hội Nông dân huyện, Ban tự quản và các đoàn thể trong thôn Cư Blang thành lập mô hình điểm “Chi hội nông dân vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe cộng đồng” với 31 thành viên tham gia. Để thực hiện mô hình hiệu quả, ngay từ những ngày đầu triển khai, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền cho các thành viên nòng cốt của chi hội. Trong đó, tập trung vào các hoạt động chính là làm thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe như: vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn sạch, uống sạch, ở sạch, ăn uống hợp lý và rèn luyện sức khỏe; hướng dẫn sinh hoạt chi hội, phổ biến, trao đổi kiến thức xây dựng chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh; đẩy mạnh phong trào chi hội nông dân vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân ở nông thôn.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk Cao Thị Thúy Nga
|
Ông Y Băn Mlô, hội viên nông dân thôn Cư Blang chia sẻ: “Từ khi thành lập, các thành viên trong chi hội thường xuyên tham gia dọn vệ sinh hai bên đường trong thôn và nhà sinh hoạt cộng đồng. Phong trào này đã tạo được hiệu ứng tốt, thu hút ngày càng nhiều gia đình hưởng ứng. Hiện nay, người dân trong thôn đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, mỗi gia đình đều biết cách phân loại, thu gom rác thải, tích trữ nước và sử dụng nước an toàn cho gia đình, tập thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh nhằm phòng tránh dịch bệnh. Đường làng, ngõ xóm cũng sạch sẽ hơn, không còn hiện tượng rác thải vứt bừa bãi khắp nơi như trước đây”.
Không chỉ tuyên truyền, Hội Nông dân huyện còn hỗ trợ các thành viên trong mô hình xây dựng công trình vệ sinh tại gia đình, giúp họ tiếp cận với điều kiện vệ sinh tốt hơn, hình thành thói quen mới tích cực trong cả cộng đồng. Đến nay, trong thôn đã có 6 hộ hội viên tu sửa giếng nước sinh hoạt, 5 hộ xây dựng mới và 1 hộ tu sửa công trình vệ sinh, 1 hộ xây dựng hầm Biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Là một trong những thành viên đầu tiên của mô hình triển khai xây dựng nhà vệ sinh tại gia đình, ông Y Nguat Niê cho hay: "Do thói quen cũng như thiếu kiến thức nên trước đây cả gia đình không quan tâm nhiều đến xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, vì chi phí phải bỏ ra tương đối lớn. Nay được Hội Nông dân giúp vay 10 triệu đồng để xây công trình vệ sinh, lại được bà con trong thôn giúp đỡ ngày công mà gia đình còn xây thêm được nhà tắm. Sử dụng rồi mới biết, công trình không chỉ giúp mọi người thuận tiện hơn trong sinh hoạt mà còn giúp cả gia đình hình thành thói quen tốt, bảo vệ sức khỏe".
Cán bộ Hội Nông dân xã Pơng Đrang khảo sát việc xây dựng công trình vệ sinh của các thành viên trong mô hình. |
Có thể nói, mô hình “Chi hội nông dân vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe cộng đồng” là một cách làm hay giúp người dân vùng nông thôn nâng cao nhận thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai nhân rộng mô hình này vẫn gặp không ít khó khăn do nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động còn hạn hẹp, lực lượng tuyên truyền viên tại cơ sở vẫn chưa được rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ bài bản… Vì vậy, để mô hình có thể nhân rộng ra các địa bàn khác và hoạt động có chiều sâu rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc