Multimedia Đọc Báo in

Hành động thiết thực chống rác thải nhựa

09:21, 16/09/2019

Để góp phần bảo vệ môi trường sống, thời gian gần đây nhiều sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai rộng rãi phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng cách không sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần trong công sở.

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động và lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc cả nước cùng chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức chính trị xã hội, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh chung tay thực hiện. Trong đó, Công văn số 6629/UBND-NNMT, ngày 15-8-2019 của UBND tỉnh về việc triển khai các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai thực hiện sâu rộng, tạo hiệu ứng thiết thực.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh trao tặng giỏ nhựa đựng thực phẩm khi đi chợ cho phụ nữ  ở phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột).
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh trao tặng giỏ nhựa đựng thực phẩm khi đi chợ cho phụ nữ ở phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo công văn này, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc không sử dụng túi ni lông, nước uống đóng chai, ống hút, khăn lau và các vật dụng bằng nhựa dùng một lần trong công sở và khi tổ chức các hội nghị, mít tinh, hội thảo, tiếp khách. Thay vào đó là chuyển đổi sang tự đun nấu nước hoặc dùng các vật dụng tái sử dụng nhiều lần, các sản phẩm thân thiện môi trường như: cốc giấy, thủy tinh, ống hút bằng tre...

Là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện phong trào, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ nhiều tháng nay đã không còn sử dụng những chai lọ nhựa dùng một lần và túi ni lông trong các hoạt động của đơn vị mình. Cụ thể, trước đây những sản phẩm nhựa dùng một lần (như ống hút, chai và bình nước suối/khoáng, hộp xốp, bao bì ni lông, hộp đựng thức ăn, bát, dĩa, cốc, thìa…) trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị thì nay đã được thay bằng cốc thủy tinh, sứ hoặc phích, bình đựng nước dùng nhiều lần trong hoạt động thường ngày cũng như khi hội họp, tiếp khách.

Ông Nguyễn Văn Thăng, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, bắt đầu từ giữa tháng 6-2019, đơn vị đã ngưng việc sử dụng các loại nước suối/khoáng dùng một lần đựng trong chai nhựa dung tích nhỏ trong công sở, thay vào đó nước uống được đựng vào các bình, chai thủy tinh để phục vụ hội họp, tiếp khách. Còn ở các phòng, ban đều sử dụng nước những bình nước lọc dung tích 20 lít.

Sở Văn hóa  - Thể thao và Du lịch sử dụng chai, ly thủy tinh thay thế nước uống đóng chai trong một cuộc họp.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch sử dụng chai, ly thủy tinh thay thế nước uống đóng chai trong một cuộc họp.

Được biết, để thay thế các chai nước suối, đơn vị đã mua sắm, trang bị 10 chiếc bình thủy tinh dung tích 1 lít, 50 chai thủy tinh dung tích 350 ml và hàng chục ly uống nước. Theo ông Thăng, trước đây trung bình mỗi tháng đơn vị dùng hết khoảng 15 thùng nước suối, đó là chưa kể đến những bình nước lớn đặt ở các phòng. Điều đáng nói nữa là nhiều khi trong các buổi hội họp, có những chai nước được mở ra chỉ uống một vài ngụm còn lại phải đổ bỏ đi rất lãng phí. Còn bây giờ bằng cách dùng các bình thủy tinh rồi rót ra ly thì uống bao nhiêu rót bấy nhiêu nên đã hạn chế được tình trạng này mà nước lọc cũng lấy từ các bình nước lớn loại 20 lít nên chi phí cũng giảm đi nhiều. Hiện nay, Sở cũng đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc triển khai cách làm này.

 

“Việc không sử dụng nước uống đóng chai (thể tích nhỏ) trong công sở vừa góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường vừa tiết kiệm đáng kể chi phí mua nước uống cho các đơn vị”.

 

Ông Phạm Gia Việt, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

 

Với đơn vị Sở Khoa học và Công nghệ, tuy việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” mới triển khai khoảng một tháng nay nhưng cũng rất triệt để, nghiêm túc. Việc sử dụng nước uống đóng chai bằng bình nước lớn, dùng chai lọ bằng thủy tinh, inox đựng nước trong hoạt động công sở, các cuộc họp, hội nghị được cán bộ, công chức viên chức, người lao động rất nhiệt tình hưởng ứng. Cụ thể, đơn vị hiện ngưng sử dụng nước uống đóng chai (có thể tích 330ml - 500ml), chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (trên 20 lít) và dùng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, vật liệu thân thiện môi trường.

Không chỉ có Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ mà hầu hết các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai thực hiện phong trào. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều mô hình, cách làm hay nhằm hạn chế chất thải nhựa của nhiều tổ chức, đơn vị như: một số cửa hàng, siêu thị thay vì dùng túi ni lông khó phân hủy thì chuyển sang dùng túi ni lông tự hủy, túi giấy, lá cây để đựng thực phẩm cho khách hàng; ở nhiều quán cà phê, nhà hàng thì chủ quán đã thay thế ống hút nhựa, cốc nhựa bằng những ống hút giấy, bột gạo, ống hút tre, cốc thủy tinh, cốc giấy hay việc khách hàng mang ly cá nhân đến mua cà phê được giảm giá tiền... Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức trao tặng giỏ nhựa cho hội viên đựng thực phẩm khi đi chợ; Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động thu gom rác, tái chế rác thải nhựa…

Với sự vào cuộc đồng bộ này, việc nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần trong công sở dù chỉ là hành động nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa lớn, tạo tiền đề và tác động tích cực đến ý thức của người dân để thực hiện có hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa” để từ đó góp phần lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.