Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn giao thông: Những bước đi mạnh mẽ

08:57, 30/12/2013

Chưa bao giờ vấn đề bảo đảm an toàn giao thông lại được bàn thảo cũng như triển khai thực hiện riết róng như bây giờ. Sự quyết liệt cùng nhiều cách làm linh hoạt đã tạo những bước đi mạnh mẽ, đột phá cho vấn đề mang tính quốc nạn này...

Tăng cường tuần tra, kiểm soát góp phần bảo đảm an toàn giao thông.                                                                                 Ảnh: Giang Nam
Tăng cường tuần tra, kiểm soát góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Ảnh: Giang Nam

Việc không của riêng ai

Trước những con số thương vong do tai nạn giao thông đã đến mức báo động “đỏ”, Chính phủ quyết định chọn năm 2012 là Năm An toàn giao thông. Lễ ra quân hưởng ứng sự kiện này được tổ chức rầm rộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương. Theo đó, Năm An toàn giao thông đã ghi nhận sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước đây, công tác bảo đảm an toàn giao thông được phó thác trách nhiệm cho một số cơ quan chức năng nhưng hiện đã được đưa vào nội dung, chương trình gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức đoàn thể, cơ quan đơn vị. Hành lang pháp lý, hệ thống các văn bản pháp luật về giao thông vận tải nói chung và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng được các cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ. Quốc hội với các bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Chính phủ, các bộ, ngành thì có các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xử phạt vi phạm trong từng lĩnh vực giao thông vận tải. Trên cơ sở đó, các địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật và triển khai chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm đưa các quy định này vào cuộc sống.

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài, các cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đợt, nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các cơ quan báo chí xây dựng chuyên mục an toàn giao thông; nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường được xây dựng, triển khai góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.

Kế sách

Với tinh thần, thái độ nghiêm túc, thể hiện quyết tâm cao trong kiềm chế tai nạn giao thông, bức tranh giao thông thời gian qua cũng ghi dấu ấn của nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới, nhiều giải pháp hay được thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Đó là việc gắn trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác bảo đảm an toàn giao thông của Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Thái Bình; xử lý nghiêm, không phân biệt cán bộ hay nhân viên khi vi phạm quy định uống rượu, bia trong giờ làm việc, buổi trưa các ngày làm việc, coi đây là tiêu chí xét thi đua khen thưởng trong cán bộ đảng viên của Hà Nội, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bắc Giang; khu dân cư và gia đình thực hiện đăng ký bảo đảm trật tự an toàn giao thông như ở Sơn La, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Yên Bái. Thành phố Đà Nẵng tổ chức thu đổi mũ bảo hiểm cũ, kém chất lượng, cấp mũ bảo hiểm chất lượng cho người dân. Tỉnh Tây Ninh thể hiện thái độ cương quyết với giải pháp loại ra khỏi ngành một số cảnh sát giao thông không đủ tiêu chuẩn, đạo đức...

Điều đáng chú ý là tại tất cả các hội nghị trực tuyến về công tác bảo đảm an toàn giao thông, những mô hình hay, kinh nghiệm tốt đều được chia sẻ. Nhiều ý kiến tâm huyết tiếp tục đóng góp, nhiều đại biểu tiếp tục hiến kế để thực hiện có hiệu quả hơn công tác này. Thưởng, phạt công tâm, những địa phương có mô hình tốt được biểu dương, đề nghị các địa phương khác học hỏi, các ngành chức năng thì tiếp thu, nhân rộng. Thái độ phê bình cũng rất thẳng thắn khi trong một số hội nghị giao trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu những địa phương nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm khi trong thành phần tham dự, thiếu vắng một số lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông.

Thực hiện thường xuyên Năm An toàn giao thông

Tai nạn giao thông đường bộ gây nhức nhối nhất trong các lĩnh vực giao thông. Tháng 10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của chiến lược đặt ra là: phát triển bền vững các giải pháp và chính sách, tiến tới xây dựng một xã hội có giao thông an toàn, văn minh, thân thiện và bền vững. Theo đó, một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là: hằng năm giảm 5-10% số người chết do tai nạn giao thông đường bộ; nâng cao năng lực hiệu quả và trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật; phát triển văn hóa giao thông trong cộng đồng; xóa bỏ các điểm đen tai nạn giao thông đường bộ, bảo đảm hành lang an toàn giao thông cho các quốc lộ; phát triển hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi  và trẻ em tại các đô thị loại I; xây dựng trung tâm điều khiển giao thông hiện đại tại các đô thị loại I; giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn...

Để đạt mục tiêu, trước mắt, giai đoạn 2013-2015, nhiều giải pháp đã được xác định mang tính đột phá. Đáng chú ý là: Quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện bảo đảm trật tự an toàn giao thông; thực hiện nếp sống văn hóa giao thông gắn với thực hiện thường xuyên “Năm An toàn giao thông”, “Tháng An toàn giao thông”, “Tuần An toàn giao thông” theo các chuyên đề cụ thể; xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình an toàn giao thông cụ thể tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;  đẩy nhanh việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, xây dựng làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2016; đẩy mạnh công tác phân luồng giao thông, phân làn phương tiện tham gia giao thông trên các quốc lộ trọng điểm, tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị loại I...

Lương Nam


Ý kiến bạn đọc