Multimedia Đọc Báo in

Bài học cho mỗi lái xe sau hai vụ tai nạn thảm khốc vừa xảy ra

09:16, 17/05/2013

Ngày 11-5 ở Long An và Bình Thuận đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, tước đi vĩnh viễn cuộc sống của hơn 10 người và làm nhiều người bị thương tật vĩnh viễn khiến dư luận cả nước lại một lần nữa rúng động.

Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến đưa ra và có những câu hỏi lớn cho chương trình an toàn giao thông quốc gia: Tiêu chí giảm số người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm từ 5-10% của ngành Giao thông liệu có đạt được? Chủ tịch UBND các tỉnh có nên chịu trách nhiệm nếu để tai nạn xảy ra trên địa bàn mình? Có cần phải xem lại chất lượng đào tạo học viên học lái xe tại các trung tâm đào tạo? Lương tâm, đạo đức người tài xế trong thời buổi kinh tế thị trường?... Có ý kiến còn đưa ra nguyên nhân của các vụ tai nạn do hạ tầng giao thông yếu kém cũng như tính hiệu quả của giải pháp mà các cơ quan thi hành luật như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông trên cả nước đang thực hiện.

Trở lại hai vụ tai nạn thảm khốc vừa qua tại Long An và Bình Thuận, hai vụ ở hai địa điểm, thời gian khác nhau nhưng có một điểm chung là đối đầu trực diện, đều xảy ra giữa xe tải và xe chở khách. Có thể nói ngay nguyên nhân chính là do lỗi chủ quan, phóng nhanh, chạy ẩu của tài xế. Chưa cần biết trên xe tải chở hàng gì; không cần xem xe chở khách quá bao nhiêu người; không cần biết tình trạng kỹ thuật trên những chiếc xe này đang lỗi gì… chỉ có chủ quan, chạy nhanh, không làm chủ được tốc độ thì mới dẫn đến tình trạng vô phương cứu chữa, thấy mà không thể tránh né, chỉ còn nước nhắm mắt chờ cái chết đến một cách nhanh chóng.

Thiết nghĩ, các tài xế nên nhìn thẳng vào vụ việc và rút ra bài học thiết thân và hãy chạy chậm đến mức có thể. Chỉ có chạy chậm, chạy chắc thì sẽ đến bến an toàn. Đừng bao giờ đổ thừa Nhà nước, đổ thừa cho ai cũng như đổ thừa đường xấu, đường đông… Chỉ khi nào ý thức tự bảo vệ của mỗi tài xế được nâng cao thì hai tiếng “giá như” không bao giờ phải thốt lên sau mỗi vụ tai nạn vì giao thông.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.