Nỗi âu lo trước nạn chặt phá, hái trộm tiêu
Khi giá trị kinh tế của cây tiêu tăng cao, diện tích loại cây này ngày càng phát triển rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh… thì nạn chặt phá tiêu do mâu thuẫn hằng ngày và trộm cắp trái vào mùa thu hoạch cũng nổi lên khá phổ biến. Điều này không chỉ làm thiệt hại lớn về tài sản của người trồng tiêu mà còn khiến họ lo lắng, bức xúc.
Diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh tăng nhanh và thiếu quy hoạch là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc chăm sóc, bảo vệ vườn cây này. |
Việc người dân chặt phá cây tiêu của nhau do xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày hoặc đơn thuần chỉ là chuyện “ghen ăn tức ở” với nhau… đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây, để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, tâm lý người dân và xa hơn là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Thái ở địa chỉ 171 Phan Huy Chú, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã bị kẻ gian chặt phá hàng chục cây tiêu trong vườn (gần 2 sào) trồng ngay sát nhà mình mà không biết ai là thủ phạm. Ông Thái than thở: Vườn tiêu của ông mới trồng năm thứ 3 và đang bắt đầu cho quả bói vậy mà nhiều cây đã bị chặt sát gốc không còn khả năng phát triển được nữa, thiệt hại khoảng 10 triệu đồng. Việc chặt trộm trên diễn ra vào ban đêm nên không ai hay biết gì, đến sáng hôm sau ông ra thăm vườn thì mới phát hiện. Gia đình ông chỉ còn biết ngậm ngùi trồng lại cây mới để thay thế. Được biết, cây tiêu từ khi trồng đến lúc cho quả phải tốn khá nhiều chi phí đầu tư (mỗi trụ tiêu khoảng 700 nghìn đồng), chưa kể công sức chăm sóc cùng với bao hy vọng của người dân, vậy mà bỗng nhiên bị phá hoại khiến bà con rất lo lắng, bức xúc. Gia đình chị Lê Thị Thắm ở xã Ea B’hok (huyện Cư Kuin) có 5 sào tiêu trồng liên kết với Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur đóng trên địa bàn xã, năm vừa qua cũng đã thu hoạch vụ tiêu đầu tiên. Song, chưa kịp vui mừng vì thành quả nỗ lực lao động và sự đầu tư tiền của bao năm thì bỗng nhiên chỉ sau một đêm, khi ra vườn chị bàng hoàng nhìn thấy hàng loạt trụ tiêu nhà mình bị kẻ xấu chặt phá sát gốc. Chị Thắm ngậm ngùi: “Trước đây, trên địa bàn xã có một số người dân thường gây mâu thuẫn với những gia đình có đất liên kết và phía Công ty Cà phê Ea Ktur. Tuy không thể khẳng định chắc chắn rằng ai là thủ phạm chặt phá tài sản nói trên, nhưng qua sự việc tôi cũng đã thông báo lên chính quyền địa phương nhờ can thiệp, nhắc nhở và tuyên truyền cho bà con hiểu. Đến nay đã nhiều tháng trôi qua, mặc dù tình trạng chặt phá tiêu không còn tái diễn nữa nhưng gia đình tôi và nhiều hộ dân trồng tiêu khác trong vùng vẫn còn nơm nớp lo âu và luôn nêu cao ý thức cảnh giác”.
Bên cạnh những trường hợp bị kẻ xấu chặt phá cây tiêu thì đến mùa thu hoạch (khoảng từ tháng 12 năm này đến tháng 4 năm sau), người trồng tiêu lại lo lắng hơn với tình trạng trộm cắp tiêu hoành hành mà rất khó phát hiện và xử lý dứt điểm. Kẻ trộm tiêu rất tinh vi và manh động, chúng thường hoạt động vào ban đêm, buổi trưa khi vắng người, hoặc lợi dụng lúc người dân không để ý lẻn vào vườn tiêu rậm rạp để hái trộm. Anh Cao Mạnh Tuấn (xã Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cho hay, kẻ gian không chỉ hái trộm tiêu, mà hiện nay chúng còn tàn ác hơn là lẻn vào vườn tiêu bẻ cả cành lá rồi nhét vào bao tải mang đi, có nhà còn bị chúng cắt cả cây tiêu rồi kéo đi đến chỗ khuất để tuốt quả. Điều này khiến người trồng tiêu đang rất lo lắng, bởi việc trồng và công chăm sóc được một trụ tiêu cũng phải mất khoảng từ 3- 4 năm mới cho quả, biết bao mồ hôi, công sức và tiền của bỏ ra, nhưng không những bị hái trộm quả mà còn bị phá hoại tài sản như vậy thì rất đau xót. Ông Dương Ưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Sê (huyện Cư M’gar) chia sẻ: Cứ đến mùa thu hoạch tiêu trên địa bàn lại xảy ra tình trạng trộm cắp, gây tâm lý bất an trong người dân. Năm nào công an xã cũng bắt được một số vụ trộm cắp tiêu, tuy nhiên, về biện pháp xử lý cũng chỉ là phạt hành chính và nhắc nhở, chưa đủ sức răn đe các đối tượng trộm cắp. Hằng năm, chính quyền xã đã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, hội và người dân thành lập các đội tuần tra, quản lý và giúp đỡ bà con thu hoạch tiêu hiệu quả, tránh mất mát vì nạn trộm cắp. Tuy có giảm về số vụ trộm cắp tiêu mỗi năm, song vẫn chưa ngăn chặn được triệt để.
Trước tình trạng trộm cắp, chặt phá tiêu đang diễn ra khá phức tạp, mong rằng các ban, ngành và đơn vị chức năng từ tỉnh đến cơ sở thôn, buôn cần tăng cường hơn nữa các biện pháp mạnh tay, xử lý triệt để nhằm quản lý, bảo vệ tài sản của người dân, tránh tình trạng trộm cắp hoặc do mâu thuẫn mà phá hoại tài sản của nhau. Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân thì khâu hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để bà con biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, phù hợp với điều kiện của từng địa phương là việc làm thiết thực nhất hiện nay, giúp bà con phát triển kinh tế một cách hiệu quả và bền vững.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc