Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục truyền thống cách mạng từ những việc làm thiết thực

19:48, 01/12/2012

Học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương là một trong 5 nội dung của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ GD-ĐT phát động trong các trường từ năm học 2008. Hưởng ứng phong trào này, đến nay toàn tỉnh có 319 trường học các cấp nhận chăm sóc, góp phần bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ và nhận phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Thật ấm lòng khi các trường đưa việc làm ý nghĩa thiết thực này thành hoạt động thường xuyên để học sinh có dịp hiểu sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, truyền thống yêu nước của dân tộc ta.

Mới đây, trong chuyến đi công tác tại huyện Cư M’gar tôi tình cờ gặp thầy trò một trường học đang chăm sóc, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Giữa trưa nắng các em học sinh cùng với thầy, cô giáo nhẹ nhàng nhặt từng chiếc lá rụng trên các phần mộ và nâng niu chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên nghĩa trang. Sau khi thắp hương tưởng niệm ở Đài Tổ quốc ghi công và toàn bộ phần mộ liệt sĩ, thầy trò quây quần dưới bóng cây trong nghĩa trang nghe bác quản trang ngoài 60 tuổi nguyên là lính Đoàn 559 kể về chuyện chăm sóc phần mộ liệt sĩ. Bác nhớ như in vị trí, tên tuổi, quê quán của tất cả phần mộ trong nghĩa trang để dễ dàng chỉ dẫn mỗi khi có thân nhân đến thăm. Ánh mắt bác quản trang thoáng buồn khi vẫn còn những ngôi mộ chưa có tên, chưa một lần có người thân thăm viếng… Câu chuyện cảm động ấy khiến nhiều đoàn viên ưu tú đã mạnh dạn đề nghị với nhà trường nên thường xuyên tổ chức những buổi lao động ý nghĩa như thế này để các em được chăm sóc, thăm viếng những ngôi mộ còn khuyết danh.

Trong khi chương trình học môn Lịch sử còn “khô khan” thì việc tổ chức tham quan, chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ tại địa phương là một trong những phương pháp giáo dục truyền thống cách mạng hiệu quả để các em nắm bắt được lịch sử địa phương, qua đó cùng chung sức gìn giữ, bảo vệ và sống đẹp hơn.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.