Multimedia Đọc Báo in

Tư vấn mùa thi

Cách làm bài thi môn Ngữ Văn

06:40, 20/04/2011

Đi đôi với thời gian dài ôn tập, cách trình bày bài làm khi đi thi rất quan trọng. Khâu này sẽ quyết định số điểm, đánh giá được sức học của từng học sinh. Riêng môn Ngữ Văn, để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ khối C, D trong thời gian sắp tới, các em cần chú ý ba điểm sau đây.

Cần nắm được cấu trúc đề thi, thang điểm. Cấu trúc đề thi, thang điểm theo quy định của Bộ GD-ĐT ở cả hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ đều có hai phần: phần chung gồm 2 câu, câu 1 (2 điểm) thuộc dạng tái hiện kiến thức (trình bày cuộc đời, sự nghiệp, phong cách nghệ thuật của nhà văn lớn; giải thích nhan đề tác phẩm; nêu tình huống truyện; khái quát một giai đoạn, một nội dung nào đó…); câu 2 (3 điểm) viết một bài văn nghị luận xã hội theo số chữ quy định với các nội dung nghị luận về một tư tưởng đạo lý; một hiện tượng trong đời sống; một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học. Phần riêng có 2 câu học sinh chỉ chọn làm 1 câu (3a hoặc 3b, 5 điểm) với kiến thức nghị luận văn học.

Phải trình bày đạt nội dung kiến thức tương ứng với các câu hỏi trong đề. Đối với câu 1, về mặt lý thuyết chúng ta phải trình bày đủ lượng thông tin đề yêu cầu. Nếu đề có nhiều ý, mỗi đoạn văn diễn đạt một ý, dung lượng vừa phải, thời gian hợp lý, tránh viết lan man, không trọng tâm. Đối với câu 2, đề nghị luận một tư tưởng đạo lý ta nên làm bài theo hướng giải thích – phân tích, bàn luận – nêu bài học kinh nghiệm; đề nghị luận một hiện tượng trong đời sống làm theo hướng thực trạng – nguyên nhân – giải pháp; đề nghị luận một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học ta kết hợp các cách trên và nêu cảm nhận của bản thân về vấn đề được bàn luận. Điểm chú ý ở câu này là nên bám sát yêu cầu, có cái nhìn, đánh giá đúng vấn đề, không viết quá dài hoặc quá ngắn, mỗi bước cần trình bày rõ, tránh lối viết nhập nhằng. Ở câu 3, có thể đề yêu cầu nghị luận một đoạn thơ, bài thơ; một nhân vật; một đoạn trích hoặc một ý kiến bàn về tác phẩm, giai đoạn văn học. Đây là câu có số điểm cao nhất nên cần đầu tư thời gian dài. Khi nhận được đề, nhất thiết chúng ta phải xác định phương pháp nghị luận và lập dàn ý trước khi làm bài. Chú ý, ngoài phần mở bài và kết bài, trọng tâm phần thân bài phải có luận điểm, mỗi luận điểm trình bày một ý, trong luận điểm phải có các luận cứ và dẫn chứng. Các luận điểm phải cùng làm rõ nội dung của bài văn. Nếu là phân tích thơ, nhất thiết bài làm phải rõ hai vấn đề nội dung và nghệ thuật, trong mỗi phần phải có nhiều ý nhỏ để thuyết phục nội dung chung. Ví dụ, phân tích đoạn đầu trong bài “Tây Tiến”, phần nội dung cần có là thiên nhiên (hùng vĩ nhưng nên thơ) và con người (hào hùng nhưng hào hoa), phần nghệ thuật gồm cả thể thơ, giọng điệu, từ ngữ, gieo vần… Nếu phân tích nhân vật phải chú ý đến mặt con người và tính cách, nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nếu phân tích một ý kiến, một giai đoạn văn học chú ý đến đặc điểm vấn đề được trình bày…

Cần chú ý hình thức, cách trình bày một bài văn: Ngoài lượng kiến thức, làm văn cần chú ý đến cách trình bày. Nên dùng bút đậm mực. Mỗi câu phải được trình bày tách bạch bằng dấu hiệu xuống hai dòng và ghi câu hỏi ở đầu, nên gạch chân chữ ghi câu hỏi. Trong mỗi câu có phần ranh giới giữa các đoạn văn. Dẫn chứng phải để trong ngoặc kép nếu là văn, xuống dòng đối với thơ, phải có chú thích và trình bày thống nhất từ đầu đến cuối bài. Chữ viết trong bài làm phải nghiêng theo một chiều, viết đều nét, dễ đọc. Câu và cách dùng từ phải giản dị trong sáng, tránh lối viết chữ ít nghĩa, tối nghĩa. Chữ viết ở lề phải, trái của tờ giấy phải thẳng, đều. Bố cục bài làm phải cân xứng.

 

Đào Tấn Trực

 


Ý kiến bạn đọc