Phạt đến 1 triệu đồng/1 học sinh vi phạm nội quy nhà trường?
Vừa qua, Tòa soạn Báo Dak Lak nhận được phản ánh của bạn đọc về việc Trường THCS Phan Bội Châu (xã Chư Kpô, huyện Krông Buk) phạt mỗi học sinh lớp 9A từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng vì lỗi không chấp nhận thay giáo viên chủ nhiệm của lớp. Vậy thực hư sự việc này như thế nào?
Theo đại diện phụ huynh học sinh lớp 9A (xin giấu tên), vào tháng 10 vừa qua, Trường THCS Phan Bội Châu, đã tiến hành thay đổi giáo viên chủ nhiệm của lớp. Tuy nhiên, do giáo viên này đã nhiều năm gắn bó với lớp nên học sinh đã kiến nghị nhà trường không thay đổi, nhưng nhà trường không đồng ý. Vì vậy học sinh đã phản đối bằng cách treo các băng rôn, tờ rơi với nội dung “Cô (…) là giáo viên chủ nhiệm lớp 9A mãi mãi” vào một tiết chào cờ đầu tuần. Với việc làm này của học sinh, nhà trường đã mời toàn bộ phụ huynh (có 4 phụ huynh vắng mặt), thông báo sự việc và yêu cầu phụ huynh nộp từ 600 nghìn đến 1 triệu đồng (16 phụ huynh phải nộp 600 nghìn đồng và 17 phụ huynh phải nộp 1 triệu đồng) mà không có hóa đơn chứng từ.; đồng thời, đình chỉ học 1 tuần đối với học sinh Nguyễn Quốc Khánh và Hoàng Tiến Dũng (được cho là những học sinh đầu trò). Việc phải nộp tiền vì những vi phạm của con em đã gây tâm lý bức xúc và khó khăn về mặt kinh tế cho nhiều phụ huynh (do rơi vào thời điểm giáp hạt nên nhiều phụ huynh đã phải vay mượn, bán cà phê non để có tiền nộp cho con).
Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu Lê Thị Huệ cho biết, do phải điều chỉnh công tác chuyên môn nên nhà trường phải thay đổi giáo viên chủ nhiệm tại một số lớp. Trước khi có quyết định chính thức, nhà trường đã có thông báo đến giáo viên và học sinh từng lớp nhưng không nhận được phản hồi nào của học sinh. Chỉ đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra trong giờ chào cờ sáng 17-10, thì nhà trường mới biết được nguyện vọng của học sinh. Theo bà Huệ, trong trường hợp này, nguyện vọng của học sinh là chính đáng nhưng cách thể hiện nguyện vọng ấy là không phù hợp trong môi trường sư phạm. Việc làm của tập thể học sinh lớp 9A không chỉ gây ảnh hưởng đến quyết định của nhà trường mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và xa hơn nữa là ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh tiếp theo của trường. Hành động của tập thể học sinh lớp 9A không phải là hành động tự phát mà có sự chuẩn bị kỹ càng, có tổ chức bài bản, mang tính chất chống đối đến cùng. Bên cạnh đó, căn cứ vào đặc điểm tình hình tại địa phương cũng như của học sinh trong trường, Ban Giám hiệu nhà trường đã họp và thống nhất đưa ra hình thức xử lý trên; và số tiền nộp không phải là tiền phạt mà là “Tiền giáo dục học sinh ban đầu”, nhằm gắn kết nhà trường với phụ huynh trong việc giáo dục con em. Theo đó, phụ huynh có con em vi phạm nội quy nhà trường sẽ phải nộp “Tiền giáo dục học sinh ban đầu” (thay vì ghi hạnh kiểm không tốt vào sổ học bạ). Số tiền này sẽ bị trừ sau mỗi lỗi vi phạm của học sinh và cũng sẽ được trích ra để khen thưởng những học sinh cá biệt có nhiều tiến bộ, số tiền còn lại sẽ được hoàn trả cho phụ huynh vào cuối năm học. Hình thức này đã có sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh học sinh và được thực hiện đến năm học thứ hai vì đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Có thể thấy, việc học sinh phản ứng với quyết định thay đổi giáo viên chủ nhiệm lớp 9A là phản ứng thái quá, không phù hợp với lứa tuổi các em, nhưng giá như nhà trường sâu sát hơn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh thì sự việc đáng tiếc trên đã không xảy ra. Hơn nữa, khi sự việc đã xảy ra thì có nhiều cách xử lý khác có tính giáo dục cao hơn. Còn việc nhà trường đặt cái gọi là “Tiền giáo dục học sinh ban đầu”, không biết hiệu quả đến đâu, nhưng phải chăng đây là một hình thức “mua – bán hạnh kiểm” giữa nhà trường và phụ huynh? Thiết nghĩ, việc phối hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường và phụ huynh ở Trường THCS Phan Bội Châu cần được xem xét lại.
Ý kiến bạn đọc