Multimedia Đọc Báo in

Múa lân vi phạm an toàn giao thông

10:41, 23/09/2013
Tối 19-9, đúng vào đêm rằm tháng tám âm lịch, nhân lúc trời tạnh mưa, tôi đưa con ra đường tận hưởng chút không khí Trung thu. Tiếng trống múa lân rộn rã, người và xe nườm nượp trên đường.

Chúng tôi đi về hướng có tiếng trống múa lân trên đường Lê Duẩn, một con đường trung tâm TP. Buôn Ma Thuột đông đúc người và xe. Giật mình khi thấy một nhóm bạn trẻ đội lân đang múa… giữa đường trong làn xe cộ nườm nượp và diễn ngay trước đầu một chiếc ô tô; múa xong, đội lân lại tiếp tục nhảy ra trước đầu một xe ô tô khác đang đi theo chiều ngược lại để biểu diễn. Nhìn cảnh nhóm múa lân múa may giữa làn xe cộ mà thót tim, chẳng hiểu sao các bạn trẻ ấy lại liều lĩnh coi thường tính mạng của mình mà vi phạm Luật Giao thông như thế? Tiếp tục đi về hướng Ngã sáu, chúng tôi lại gặp cảnh ùn ứ, tắc nghẽn bởi có một đội lân biểu diễn tại vòng xoay Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, đáng nói là những bạn trẻ múa lân này cũng múa ngay giữa đường, không chỉ múa bằng đầu lân, các bạn còn dựng cả cột để múa trên cột sắt cao. Màn múa lân gây tắc nghẽn giao thông đến mức cả dòng xe dồn ứ lại, một chiếc xe cấp cứu hụ còi liên tục nhưng cũng phải rất vất vả mới lách ra được để đi về phía bệnh viện. Không ít người thắc mắc sao các bạn trẻ múa lân này lại thích chọn đường phố để biểu diễn đến thế, trong khi khuôn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh rộng rãi chỉ cách đó chừng chục mét?

Điều đáng nói, trong suốt buổi tối hôm ấy, chúng tôi gặp rất nhiều cảnh tắc nghẽn giao thông do các đội múa lân gây ra trên các tuyến phố, nhưng không hề thấy bóng dáng lực lượng cảnh sát giao thông. Những năm trước, đã từng có ý kiến phản ánh về việc các đội múa lân biểu diễn giữa đường quốc lộ, chận đầu cả xe ô tô con, xe tải, xe khách, vi phạm nghiêm trọng an toàn giao thông nhưng không hiểu sao tình trạng này năm nay vẫn tiếp diễn, thậm chí còn lan cả vào các tuyến đường nội đô?

Dương Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.