Đường làm xong mà dân vẫn không có lối đi!
Mặc dù hoàn thành hơn 4 năm nay, nhưng đường giao thông đến trung tâm xã Ea Sô (huyện Ea Kar) vẫn chưa thể thông thương, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, lãng phí vốn đầu tư chỉ vì… thiếu cầu.
Đường đến trung tâm xã Ea Sô được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2009, với chiều dài gần 16 km, được xây dựng theo quy mô cấp V miền núi, mặt đường rộng 3,5 mét, lề đường mỗi bên rộng 1,5 mét; cầu, cống thoát nước vĩnh cửu, tải trọng thiết kế HL-93. Dự án do UBND huyện Ea Kar làm chủ đầu tư, tổng kinh phí được phê duyệt gần 51,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP). Công trình này được chia thành 2 gói thầu xây lắp gồm: gói thầu số 1 hạng mục nền, móng mặt đường, hệ thống thoát nước và an toàn giao thông; gói thầu số 2 cầu bê tông cốt thép dự ứng lực. Trong đó, gói thầu số 1 được khởi công vào tháng 3-2010, hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 5-2012, được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán tại Quyết định số 2359/QĐ-UBND ngày 8-10-2014. Đến nay, dự án đã được bố trí hơn 37 tỷ, trong đó, vốn TPCP hơn 29 tỷ, ngân sách tỉnh 8 tỷ, đã chi trả quyết toán gói thầu số 1 hơn 34 tỷ đồng.
Cỏ dại mọc um tùm trên đường đến trung tâm xã Ea Sô. |
Trong khi đó, gói thầu số 2 hạng mục cầu bê tông cốt thép phải tạm dừng triển khai thực hiện theo Nghị quyết 11/2011/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó đến nay, sau hơn 4 năm, gói thầu này vẫn chưa được tái khởi động. Được biết, cầu được xây dựng tại km8+454, bắc qua sông Krông Năng, rộng khoảng 6,5 mét, dài 154 mét – đây là điểm kết nối giữa xã Ea Tyh và Ea Sô.
Có đường mà không có cầu khiến mọi hoạt động giao thông đi lại của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo các chi phí về sản xuất, vận chuyển vật tư nông nghiệp, hàng hóa, nông sản đi và đến 2 xã trên đều đội lên cao. Anh Nguyễn Thanh Tuấn, thôn Quyết Thắng 2, xã Ea Tyh cho hay, nhà anh có khoảng 40 ha đất trồng mía ở khu vực thôn 4 (xã Ea Sô); nếu cầu trên đường này được xây dựng thì khoảng cách từ Ea Tyh đến cánh đồng mía chưa đầy 10 cây số, nhưng hiện tại phải đi vòng quãng đường dài hơn 30 km, vì thế chi phí vận chuyển cũng tăng từ 2-3 lần. Ông Nguyễn Hữu Chính, cùng địa chỉ trên chia sẻ, nhà chỉ có 3 ha mía bên xã Ea Sô, năm nào nhà ông cũng phải mang lỉnh kỉnh đủ thứ vật dụng gia đình để nấu ăn, sinh hoạt ở ruộng mía nhiều ngày liền để bảo đảm thu hoạch mía và vận chuyển về nhà máy đúng hạn, trong khi khoảng cách từ nhà ông đến ruộng mía chỉ 10 km, nếu cầu xây xong thì sẽ rất thuận tiện cho việc đi lại, có thể sáng đi chiều về.
Tương tự, ông Phan Văn Phú, thôn An Bình (xã Ea Tyh) có 30 ha đất trồng mía, mì bên cánh đồng thôn 4 (xã Ea Sô) cũng cho hay, do giao thông không thuận lợi như trên nên mỗi khi đến mùa thu hoạch mía rất khó thuê nhân công. Ông tính toán, vào cao điểm của mùa, mức giá khoán chung 200.000 đồng/tấn mía đối với khu vực có đường giao thông thuận lợi, trong khi ông phải thuê 270.000 đồng/tấn vẫn không tìm ra người. Chưa kể các chi phí phát sinh làm lán trại, bình điện, đèn dầu thắp sáng ban đêm cho nhân công ở lại ruộng mía.
Ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND xã Ea Sô cho biết, do đường chưa có cầu nên cũng phát sinh nhiều trở ngại khác. Chẳng hạn như thôn 3, 4 và một phần của buôn Ea Brah (khoảng 200 hộ dân), do nằm xa trung tâm nên mỗi lần có việc cần giao dịch ở huyện phải đi vòng hơn 30 km, trong khi nếu đường thông suốt, khoảng cách đó giảm hơn 1 nửa. Ea Sô là vùng trọng điểm mía của Ea Kar (khoảng 2.000 ha), lâu nay việc vận chuyển mía nguyên liệu phải đi theo đường vòng hơn 30 km, trong khi khoảng cách từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ là Nhà máy đường 333 chỉ hơn 10 km.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay nguồn vốn TPCP đã bố trí đủ cho dự án, số còn thiếu, sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu tỉnh xem xét cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách trong các năm tiếp theo để có thể sớm triển khai xây dựng cây cầu trên nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án đường giao thông đến trung tâm xã Ea Sô từ 51,9 tỷ lên 75,2 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 2 sau khi cập nhật lại đơn giá tại thời điểm hiện nay là 29,87 tỷ đồng (mức kinh phí phê duyệt ban đầu khoảng 18 tỷ đồng). |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc