Multimedia Đọc Báo in

Bức thư viết vội và tấm lòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào vùng biên Ea Súp

09:10, 29/10/2013

Năm 1978, trong chuyến công tác vào Dak Lak, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dự định đến thăm huyện biên giới Ea Súp, nhưng rồi do công tác đột xuất nên Đại tướng không thực hiện được. Trước khi rời Dak Lak, Đại tướng đã viết một bức thư gửi đồng bào vùng kinh tế mới huyện Ea Súp. Bức thư ấy không chỉ là tình cảm yêu thương, lời dặn dò đơn thuần của Đại tướng, nó còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự lỗi lạc đối với vùng đất biên cương của Tổ quốc.

Bức thư viết vội trong đêm

Bức thư ấy đã được cụ Nguyễn Công Huân (SN 1934, trú tại tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Ea Súp) – nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp trân trọng, lưu giữ. Cũng như bao triệu trái tim người Việt Nam khác, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, cụ Huân đã không cầm nổi những giọt nước mắt. Nhớ Đại tướng, cụ lần tìm bức thư cũ được cất cẩn thận trong tủ tài liệu, đọc đi đọc lại từng chữ của Đại tướng gửi thăm hỏi, động viên, dặn dò anh chị em vùng kinh tế mới Ea Súp cách đây 35 năm.

 Vợ chồng cụ  Nguyễn Công Huân đọc lại  bức thư  của  Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vợ chồng cụ Nguyễn Công Huân đọc lại bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cụ Huân nhớ lại: “Sau ngày đất nước giải phóng, Đảng và Nhà nước có chủ trương đưa dân một số tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Năm 1976, 4 trung đoàn thanh niên xung phong (khoảng hơn 4.500 người)  từ Thái Bình đã vào huyện biên giới Ea Súp lập nghiệp. Những ngày đầu trên quê hương mới, cuộc sống vô cùng khó khăn, họ vừa phải chống lại bọn phản động Fulrô, vừa tiến hành đắp đập, khai hoang đất sản xuất. Năm 1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có chuyến công tác vào Dak Lak. Ông dự định sẽ về  Ea Súp để thăm đồng bào vùng kinh tế mới nơi đây, nhưng do yêu cầu công tác ông phải quay về Hà Nội gấp. Trước khi lên đường ra Bắc, đêm ngày 28-10-1978, Đại tướng đã viết lá thư này gửi các anh chị em vùng kinh tế mới Ea Súp. Bức thư của Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp trao cho tôi (khi ấy đang là Phó Ban Chỉ huy công trường khai hoang trồng cây lương thực Ea Súp). Bức thư sau đó được đọc trước toàn thể Đảng ủy và lực lượng thanh niên xung phong nghe và hành động”.

Đối với cụ Huân và thế hệ thanh niên xung phong lúc bấy giờ, bức thư  của Đại tướng là một báu vật. Nó không đơn thuần chỉ là tình cảm, lời dặn dò của Đại tướng, mà nó đã trở thành phương châm để  hành động. “Đọc kỹ bức thư đó chúng tôi thấy rất xúc động và thấm thía. Sau đó, bức thư được sao chép ra cho thanh niên xung phong mỗi người một bản, còn bản gốc thì tôi giữ, đi đâu thì tôi cầm theo như một báu vật, tiền bạc thì có thể mất nhưng bức thư thì tôi không thể để mất được. Chúng tôi đã hành động đúng theo tinh thần của bác Giáp như trong bức thư, còn nhân dân huyện Ea Súp chúng tôi biết ơn bác Giáp và nguyện cả đời phấn đấu xây dựng đất nước. Với tôi, ngày Đại tướng gửi thư cho đồng bào vùng kinh tế mới đã trở thành một dấu mốc đặc biệt trong lịch sử hình thành và phát triển của huyện Ea Súp. Khi tôi nhận được tin Đại tướng qua đời, tôi đã khóc. Tôi có một ý nguyện và mong huyện Ea Súp sẽ được xây dựng một công trình hoặc một tuyến đường mang tên Đại tướng” – cụ Huân tâm sự. (Mới đây, bức thư này đã được cụ Huân trao lại cho Bảo tàng Dak Lak lưu giữ, trưng bày).

Điểm tựa thôi thúc vùng biên phát triển

Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, hơn 30 năm qua  đồng bào các dân tộc huyện Ea Súp đã  nỗ lực xây dựng, phát triển, từng bước gặt hái được những thành tựu đáng tự hào. Kinh tế phát triển với tốc độ nhanh; tình hình chính trị ổn định, chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Từ một vùng đất hoang vu, Ea Súp đã chuyển mình, khoác lên một chiếc áo mới.

Ông Vũ Đình Trưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và áp dụng những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nền sản xuất của huyện đã có những chuyển biến rõ rệt; nhân dân các dân tộc đã từng bước thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, tự cung, tự cấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, năm 2012 đạt 21%. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng hai công trình thủy lợi Ea Súp Hạ và Ea Súp Thượng đánh dấu một bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp của địa phương. Từ một vùng đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhất Tây Nguyên, Ea Súp đã trở thành một vựa lúa của tỉnh với gần 4.000 ha lúa nước hai vụ, năng suất đạt 71 tạ/ha.

Cùng với đó, Ea Súp còn chú trọng phát triển các loại cây lương thực khác như ngô lai, sắn; cây công nghiệp ngắn ngày như: đậu, bông... và đưa các cây công nghiệp dài ngày như: điều, xoài, cà phê, cao su, keo lai vào trồng, tạo tiền đề phát triển kinh tế bền vững. Việc phát triển đàn đại gia súc, gia cầm được huyện chú trọng để phát huy lợi thế của vùng rừng biên giới. Đàn đại gia súc, gia cầm ở Ea Súp đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy nhanh việc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Đến nay tổng đàn gia súc gia cầm của huyện đạt gần 17.000 con. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và trở thành những hộ khá, giàu nhờ phát triển chăn nuôi.

Bên cạnh việc đầu tư cho phát triển sản xuất, Ea Súp cũng rất chú trọng đến công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Đến nay, 100% số xã của Ea Súp có đường ô tô đến trung tâm, 90% số xã có điện lưới quốc gia. Các hoạt động văn hóa - thể thao đã được mở rộng đến từng cơ sở; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, gìn giữ. Việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống các dịch bệnh cho nhân dân được đẩy mạnh…

Mặc dù phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định vùng biên Ea Súp đang thay đổi từng ngày. Những thành quả  trên là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện vững tin bước tiếp, thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Toàn văn bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi anh chị em vùng kinh tế mới Ea Súp

Dak Lak ngày 28-10-78

Thân gửi các anh chị em vùng kinh tế mới Ea Xup (chữ do Đại tướng dùng trong thư – PV)

Thay mặt Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ, tôi có lời hỏi thăm thân thiết nhất đến toàn thể anh chị em, đến các đảng viên, đoàn viên, cán bộ, đến toàn dân đồng bào vùng kinh tế mới Ea Xup.

Các đồng chí là những người chiến sĩ dũng cảm đã đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, có tinh thần yêu nước và tinh thần làm chủ đất nước cao, lên đây xây dựng quê hương mới, góp phần cố gắng lớn của mình cùng đồng bào các dân tộc xây dựng Tây Nguyên chiến lược giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, vì sự nghiệp Tổ quốc xã hội chủ nghĩa yêu quý của chúng ta.

Ea Xup là một địa bàn xung yếu, có tiềm năng về kinh tế, có ý nghĩa về quốc phòng, trước mắt có những thuận lợi nhưng còn những khó khăn phải khắc phục.

Thời gian qua, trong điều kiện khó khăn ấy, đồng bào ta ra sức phấn đấu, không quản gian khổ vì trở ngại, giành được thành tựu về nhiều mặt, đặc biệt là về an ninh chính trị. Trung ương và Chính phủ biểu dương tinh thần ấy, những thành tựu ấy.

Hiện nay, một số điều kiện để tiến lên đã được tạo ra và cũng còn những vấn đề cần phải giải quyết từng bước và giải quyết kịp thời hơn. Đồng chí Triều, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và một số đồng chí phụ trách các Bộ, cán bộ khoa học, đại diện của bộ đội, cùng với đồng chí Chủ tịch tỉnh Dak Lak và đại diện Tỉnh ủy lên gặp đồng bào, trực tiếp chuyển lời thăm hỏi của Đảng và Chính phủ, tìm hiểu tình hình nhằm đề ra phương hướng giải quyết những việc cần thiết, nhằm xây dựng vùng xung yếu này trở thành một trong những địa bàn vừa phát triển về kinh tế vừa vững chắc về quốc phòng của Tây Nguyên, của Tổ quốc.

Chúc đồng bào và các đồng chí khỏe mạnh, hăng hái phấn đấu, xứng đáng là những người con yêu quý của tỉnh nhà, là những con người đã từng được Đảng và Bác Hồ giáo dục, sống và chiến đấu dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, đoàn kết thương yêu và giúp đỡ nhau, ra sức làm tròn mọi nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo và chăm sóc trực tiếp của Đảng và chính quyền địa phương lập nên những thành tích mới, tạo nên những tấm gương sáng trong khi thực hiện mọi chủ trương chiến lược lớn của Đảng là đưa hàng triệu đồng bào ta lên vùng chiến lược Tây Nguyên này.

Lần nữa, xin gửi đến đồng bào và đồng chí tấm lòng thân thiết của tôi.

Thân ái!

Võ Nguyên Giáp

Lê Văn – Anh Dũng 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.