Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mùa thu năm ấy...…

09:10, 29/10/2013
Vậy là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng tài ba đức độ, người được vinh danh là Đại tướng của nhân dân đã vĩnh viễn về với đất Mẹ thân yêu.
 
Sự ra đi của Đại tướng đã khiến hàng triệu con tim người dân cả nước như cùng dâng lên chung một niềm đau thương, mất mát. Hôm cả nước chính thức để tang Đại tướng, trước hôm Đảng, Nhà nước, Quân đội, gia đình và nhân dân cả nước lần cuối cùng đưa tiễn Đại tướng về yên nghỉ với đất Mẹ Quảng Bình, có người đã nói với tôi: “Đại tướng xứng đáng để chúng ta tôn thờ, xứng đáng để mỗi người chúng ta mang biểu tượng Quốc tang trên ngực. Đại tướng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”.   
 Anh Huỳnh Ngọc Bình (người đứng giữa)  với biểu tượng Quốc tang  trên ngực áo,  thành kính thắp nhang trước anh linh Đại tướng  Võ Nguyên Giáp.
Anh Huỳnh Ngọc Bình (người đứng giữa) với biểu tượng Quốc tang trên ngực áo, thành kính thắp nhang trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đó là hôm 12-10 vừa qua, ngày mà tỉnh Dak Lak tổ chức Lễ viếng Đại tướng tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Ngay từ sáng sớm, tại tiền sảnh Nhà truyền thống Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đường Mai Hắc Đế, TP. Buôn Ma Thuột) đã có rất đông các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, lực lượng vũ trang và người dân tập trung đến để tham gia Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng tài ba của đất nước, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Ai cũng lặng lẽ nghẹn ngào dâng nén tâm hương thành kính trước anh linh của người Anh hùng dân tộc với niềm tiếc thương vô hạn... Trong không khí trang nghiêm đầy linh thiêng ấy có một chi tiết đã khiến nhiều người chú ý. Đó là khi vào dâng hương viếng Đại tướng, trên ngực áo bên phải của anh Huỳnh Ngọc Bình (Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh) có đính một mẩu vải hình chữ nhật có hai màu đỏ và đen. Bất chợt trong hội trường có tiếng thì thầm của một đồng chí lão thành cách mạng: “Đúng rồi! Đấy là biểu tượng của Quốc tang!...”.

Sau lễ viếng, tôi đã tìm gặp anh Bình để hỏi chuyện về “biểu tượng” Quốc tang này và được anh lý giải: Mẩu khăn tang này có hai màu đen và đỏ là có ý nghĩa của nó. Màu đỏ là nền cờ đỏ của Tổ quốc, còn đen là màu tang. Trên nền đỏ ấy, màu vải đen được may chồng lên 1/3… Câu chuyện về mẩu Quốc tang này đưa anh Bình ngược dòng thời gian trở về với Hội trường Ba Đình lịch sử hơn 44 năm về trước: Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã vĩnh viễn ra đi… Anh Bình bồi hồi nhớ lại với niềm xúc cảm dâng trào: “Tôi còn nhớ rất rõ vào thời điểm Bác mất tôi mới chỉ mới vừa tròn 7 tuổi rưỡi. Vì ở trong miền Nam ra Bắc tập kết nên gia đình thuộc diện ưu tiên được vào Hội trường Ba Đình dâng hương viếng Bác. Lúc bấy giờ, cả Quảng trường Ba Đình rộng lớn không còn chỗ chen chân bởi hàng ngàn, hàng vạn người dân khắp mọi nơi tập trung về đây với niềm tiếc thương vô hạn khi Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc từ trần. Khi ấy, Trung ương đã có hướng dẫn cụ thể về việc may biểu tượng quốc tang đeo trên ngực áo để tang Bác. Ấn tượng về lễ viếng Bác Hồ cùng với mẩu quốc tang năm ấy đã khắc sâu trong ký ức của mình thuở còn thơ cho đến tận ngày nay…”.

Anh Bình tiếp lời: “Kể từ khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, và đặc biệt là khi Trung ương thông báo Lễ Quốc tang cho Đại tướng, tôi nhớ ngay đến lễ tang và cách để tang Bác Hồ năm xưa. Mình chỉ là một người bình thường như mọi người với lòng tiếc thương vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự ra đi của Đại tướng xứng đáng để mỗi người dân đất Việt chịu tang. Và tôi đã đeo tang Đại tướng như đã từng để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn 44 năm về trước”…

Tôi hiểu và cảm nhận được cảm xúc của anh Bình. Cũng như tôi và như hàng triệu triệu trái tim Việt Nam…, trước sự ra đi của Đại tướng, mọi người, mọi thế hệ, mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đều đã gặp nhau và có chung một nỗi đau mất mát. Đại tướng đã vĩnh viễn ra đi để về với đất Mẹ thân yêu. Nhưng tôi tin rằng, những gì mà Đại tướng đã làm được cho đất nước Việt Nam, những gì Đại tướng đã để lại cho dân tộc Việt Nam hôm nay, ông luôn xứng đáng là một tượng đài sừng sững trường tồn trong lòng mỗi người dân đất Việt!

Việt Cường 


Ý kiến bạn đọc