Những câu chuyện bình dị về Thiếu tướng Y Blốk Êban
Giữa những ngày tháng Ba lịch sử, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm ngày giải phóng Buôn Ma Thuột. Để có được thành phố tươi đẹp, ngời ngời sức trẻ hôm nay có sự đóng góp rất lớn từ các thế hệ cha anh, trong đó có Thiếu tướng Y Blốk Êban, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vị tướng đầu tiên của Tây Nguyên đại ngàn.
Với Thiếu tá Rơ Lan Niên, nguyên Phó Chủ nhiệm Hậu cần (Bộ CHQS tỉnh), nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, Thiếu tướng Y Blốk Êban luôn là người thầy, người anh, người đồng đội thân tình. Chuỗi tháng ngày đồng hành, gắn bó với Thiếu tướng Y Blốk Êban có quá nhiều ký ức, tuy bình dị, đơn sơ nhưng thật khó phai mờ trong tâm trí người cựu binh đã ngoại thất thập này.
Thiếu tá Rơ Lan Niên tự hào khi kể về Thiếu tướng Y Blốk Êban. |
Năm 1961, khi đang là y tá (Tỉnh đội Đắk Lắk) ông Rơ Lan Niên may mắn có dịp gặp và trực tiếp làm việc với Thiếu tướng Y Blốk Êban. Ông nghẹn ngào hồi tưởng lại những ngày đầu gặp gỡ: “Bác Y Blốk Êban sống rất giản dị, gần gũi với anh em. Đặc biệt, bác ấy không bao giờ phân biệt tuổi tác, dân tộc, sống rất tình cảm và bình đẳng với mọi người, mọi tầng lớp”.
Năm 1976, y tá Rơ Lan Niên được giao nhiệm vụ đội trưởng đội phẫu thuật, cùng đồng đội tham gia chiến trường Tây Nam, đánh đuổi quân xâm lược Pôn Pốt. Là bộ đội Cụ Hồ, ông không nề hà việc khó, nhưng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến người vợ và ba đứa con nheo nhóc, đói khổ ở quê nhà. Biết chuyện, Đại tá Y Blốk Êban (lúc bấy giờ là Chủ tịch Ủy ban Quân quản tỉnh Đắk Lắk) đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ lương thực thực phẩm cho gia đình ông Rơ Lan Niên. Giữa thời điểm chiến sự ác liệt, nhưng hậu phương vẫn được đồng đội quan tâm hỗ trợ, khiến Rơ Lan Niên như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của người lính quân y…
Trong suốt cuộc đời mình, là người con của đồng bào Êđê, Thiếu tướng Y Blốk Êban đã cùng đồng chí, đồng đội tích cực vận động bà con, đồng bào Tây Nguyên đi theo Đảng, theo cách mạng. Được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh ( 1989 – 2004), Thiếu tướng Y Blốk Êban đã cùng Thiếu tá Rơ Lan Niên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh (giai đoạn 1990 – 2004) và đồng đội tích cực vận động hội viên tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa. Không chỉ có vậy, vị tướng của đại ngàn còn tự nêu gương, dùng chính câu chuyện của mình và các đồng đội vượt khó khác để khích lệ, động viên hội viên cố gắng tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Ông Rơ Lan Niên nhớ lại, thời điểm đó do điều kiện khó khăn nên Hội có rất ít hoạt động hỗ trợ vật chất cho đồng đội, nhưng những lời chia sẻ, cộng với uy tín của mình, Thiếu tướng Y Blốk Êban đã khiến anh em trên dưới đồng lòng, cố gắng vượt khó vượt khổ, luôn là gương sáng để mọi người noi theo.
Trung tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5 động viên chia sẻ nỗi mất mát cùng gia đình Thiếu tướng Y Blốk Êban khi ông từ trần. Ảnh: V.Thông |
Gần gũi, sâu sát với bà con, Thiếu tướng Y Blốk Êban thường bất ngờ lặn lội về các buôn làng, cùng ăn, cùng ở, nói chuyện phải trái cho bà con rõ, đồng thời động viên họ lao động sản xuất, không nghe theo lời xúc giục của kẻ xấu. Năm 2006, trong một lần về thăm bà con buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), thấy bà con đang giết rắn làm thịt, Thiếu tướng Y Blốk Êban đã đến gần, hỏi lý do vì sao lại giết hại rắn. Vị tướng đã từ tốn phân tích cho bà con hiểu rắn có thể giúp bắt chuột, trong khi loài chuột đang phá hoại hoa màu, mà thời điểm đó dân còn rất nghèo khó, lúa gạo, củ mì, củ khoai rất quý… Chẳng cần lý lẽ cao xa gì, vị tướng đã dùng những câu chuyện thực tiễn trong cuộc sống, nhưng với cách trò chuyện chí tình chí nghĩa ấy của ông, đồng bào rất ưng cái bụng, hiểu trái phải, biết phân biệt đúng biết sai…
Đã gần 3 tháng, cánh chim của đại ngàn lìa xa trần thế, bay vào cõi vĩnh hằng, nhưng hình ảnh thân thương, giản dị của Thiếu tướng Y Blốk Êban vẫn in mãi trong tâm trí người thân, đồng đội. Còn rất nhiều câu chuyện bình dị trong cuộc sống của ông được đồng đội, bà con Tây Nguyên lưu giữ vào tâm trí, bởi với trong trái tim của họ, ông mãi là niềm vinh dự, tự hào của miền đất đỏ bazan.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc