Multimedia Đọc Báo in

Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột - giá trị vượt thời gian

08:59, 24/04/2019

Tọa lạc tại trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, Di tích quốc gia Nhà đày Buôn Ma Thuột là một "địa chỉ đỏ" đóng vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích luôn được địa phương và cơ quan chức năng quan tâm.

Ký ức bi tráng

Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX, là nơi giam giữ và đọa đày hàng ngàn chiến sĩ cách mạng yêu nước. Tại đây, chúng thi hành những chính sách rất dã man, tàn bạo với nhiều thủ đoạn xảo quyệt và độc ác dành cho những tù nhân yêu nước; từ việc xây dựng nhà giam kiên cố, đến bóc lột sức lao động, cho ăn uống kham khổ dẫn đến suy kiệt sức khỏe mà chết.

Đơn cử như cấu trúc, Nhà đày được xây dựng với những dãy nhà được bố trí theo hình 4 cạnh, xung quanh có tường cao bao bọc, có cắm các mảnh chai và dây thép gai kèm theo nguồn điện cao thế, ban đêm đèn chiếu sáng chói chẳng khác gì ban ngày. Trong mỗi dãy nhà lao tập thể có những thanh cùm dài với lỗ cùm có khoảng cách rất hẹp, tù nhân chỉ bị cùm 1 chân nên buộc phải nằm nghiêng.

Trong thời gian từ năm 1930 đến 1954, thực dân Pháp đã bắt, đày ải, giam cầm hàng nghìn cán bộ, đảng viên cộng sản, tù chính trị tại Nhà đày Buôn Ma Thuột, trong đó có nhiều tù chính trị sau này giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội ta. Từ năm 1954 đến năm 1975, đế quốc Mỹ tiếp tục sử dụng Nhà đày Buôn Ma Thuột để biệt giam, đày ải, tra tấn tàn bạo các chiến sĩ yêu nước.

Thế hệ trẻ  tham quan  Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Thế hệ trẻ tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên mọi âm mưu, thủ đoạn tàn độc của kẻ địch không đè bẹp được ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng. Với niềm tin tất thắng, bằng nghị lực phi thường và sự quả cảm, vượt qua mọi gian lao, các chiến sĩ cộng sản bị giam cầm ở đây luôn đoàn kết, biến nơi này thành trường học cách mạng, rèn luyện bản lĩnh, chống lại chế độ lao tù tàn bạo, tổ chức nhiều cuộc vượt ngục thoát khỏi nhà tù hoặc buộc địch trả tự do trở về với Đảng, với nhân dân, tiếp tục cống hiến, đấu tranh cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.

Gần đây, hai cựu tù Nguyễn Phương và Ngô Hồng Sinh (hiện sinh sống ở TP. Buôn Ma Thuột) đã trở lại thăm nơi từng bị giam giữ. Ông Nguyễn Phương nhớ lại, vào tháng 5 năm 1972 ông và một số anh em cùng đơn vị bị địch bắt giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột, trong suốt hơn 2 năm trời họ luôn nung nấu ý định vượt ngục, tìm cách trở lại chiến trường để tiếp tục chiến đấu. Nếu ở trong phòng giam đông đúc cả trăm người thì không thể vượt ngục được, vì mọi động tĩnh sẽ bị địch phát hiện nên ông và đồng đội tìm cách phạm tội (gây gổ với cai tù) và bị bắt giam sang nơi khác.

Ông Phương đã nhờ đồng đội bên ngoài nhét lưỡi cưa sắt trong ruột quả dưa bở gửi vào tù để cưa  song sắt, thực hiện kế hoạch thoát ra ngoài. Vì vị trí định cưa sắt nằm đối diện với một trạm gác, đèn pha bật suốt ngày suốt đêm nên họ tìm cách phá đèn, thay phiên nhau vừa cõng vừa cưa sắt vào ban đêm mà không gây ra tiếng động và còn chuẩn bị vũ khí (mài muỗng thành dao), tư trang để chiến đấu khi vượt ngục.

Tuy nhiên, cuộc vượt ngục đã không thành công, ông Phương, ông Sinh cùng đồng đội bị bắt lại và bị biệt giam. Ông Sinh không thể quên 75 ngày bị biệt giam, bị tra tấn dã man sau cuộc vượt ngục bất thành: “Mỗi ngày 4 lần, chúng thay phiên nhau đánh gây nội thương cơ thể chúng tôi, lồng ngực ai cũng như bị dập nát...”. Vậy mà, các tù nhân yêu nước vẫn kiên cường gồng mình vượt qua. Đó là ký ức bi tráng không thể nào quên, nhất là đối với ông Phương, ông Sinh.

Giá trị vượt thời gian

“Mặc dù đây là chứng tích của một chế độ để lại nhưng hôm nay từng hàng cây lối đi đã khác ngày xưa, điều này thể hiện sức sống mãnh liệt mà chúng tôi hằng mong ước và cũng chính là động lực để ngày xưa chúng tôi hoạt động cách mạng”, đó là lời của ông Sinh khi về thăm lại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Thật vậy, di tích vẫn luôn được quan tâm đầu tư tôn tạo, tu bổ như một lời tri ân của thế hệ hôm nay với sự hy sinh to lớn của lớp lớp chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Khung cảnh Nhà đày Buôn Ma Thuột hôm nay.
Khung cảnh Nhà đày Buôn Ma Thuột hôm nay.

Từ năm 2015 đến nay, di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột đã đón tiếp hơn 47.000 lượt khách tham quan với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau, rất nhiều trong số đó là các lứa tuổi trẻ. Các em đến với nhà đày trong tâm thế một người trẻ, chưa từng trải qua chiến tranh. Nhưng khi tìm hiểu về lịch sử qua những hiện vật, chứng tích sống động, các em vẫn cảm nhận sâu sắc về tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của cha anh, để thêm hiểu, thêm tự hào về lịch sử oai hùng của dân tộc .

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động, chương trình dành cho đoàn viên, thanh thiếu niên, nhi đồng, lồng ghép với công tác giáo dục truyền thống cách mạng tại di tích Nhà đày như vừa tìm hiểu tham quan vừa tổ chức hội trại, giao lưu, nói chuyện với các bậc lão thành cách mạng… qua đó giúp các em có sự tương tác, có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về di tích.

Bên cạnh đó, Nhà đày Buôn Ma Thuột luôn được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đưa nơi này trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến thăm Đắk Lắk.

Với giá trị, ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, ngày 10-7-1980, Nhà đày Buôn Ma Thuột được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đặc cách xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia. Ngày 24-12-2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg về việc Nhà đày Buôn Ma Thuột được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột  sẽ được tỉnh tổ chức vào ngày 25-4 tới .

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.