Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo những phong tục trong ngày Tết của đồng bào Tày Tây Bắc

09:23, 25/02/2015

Khi những cánh hoa đào, hoa mai bừng nở báo hiệu mùa xuân về cũng là lúc đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Như các dân tộc anh em khác, Tết Nguyên đán của người Tày Tây Bắc vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…

“Tắm rửa” dụng cụ lao động: Những ngày cuối năm, ngoài việc lo sắm sửa cho Tết, dọn dẹp nhà cửa, người Tày vùng cao không quên “tắm rửa” cho các vật dụng lao động trong nhà. Người Tày quan niệm, trong cả một năm lao động vất vả, các vật dụng lao động như: cuốc, dao, gùi, cày… đã giúp con người làm nương rẫy ruộng đồng, làm ra lúa gạo nuôi sống con người. Chính vì thế, năm hết Tết đến, các vật dụng cũng phải được tắm rửa sạch sẽ để nghỉ ngơi ăn Tết như con người. Chiều 28 Tết, các gia đình tập hợp tất cả các dụng cụ lao động trong nhà, múc chậu nước to và sạch sau đó lần lượt “tắm rửa” cho chúng. Tắm xong, tất cả các dụng cụ lao động được dựng thành hàng ở góc nhà, chờ ngoài tháng Giêng lại theo người lên nương, lên rẫy.

Đồng bào Tày Tây Bắc vui múa đón Tết.
Đồng bào Tày Tây Bắc vui múa đón Tết.

Vẽ hình để xua đuổi tà ma: Ở các bản Tày trên vùng cao Tây Bắc, vào chiều 30 Tết hoặc đêm trừ tịch, người già nhất trong gia đình dùng vôi bột hoặc phấn trắng để vẽ những hình thù như: cung tên, mũi chông nhọn, chiếc dao, cái gậy, mặt nạ quỷ, hình người cầm giáo mác… xung quanh ngôi nhà của mình. Theo quan niệm của người Tày, vào đêm trừ tịch, lợi dụng thời điểm giao thừa, lũ ma quỷ lẻn vào các nhà để quấy nhiễu, phá phách và “ám” cả gia đình đó trong năm mới. Vì vậy, người ta phải vẽ những hình thù kỳ dị, những hình nhân mang giáo mác hay cung tên để ngăn chặn, xua đuổi tà ma không được bước chân vào đất của gia đình mình. Phong tục này có nơi thay bằng việc cắt giấy màu với các hình thù và dán lên cột nhà.

Nghi lễ đuổi kiến, đuổi mối đầu năm: Sau ba ngày Tết, buổi sáng mùng 3 hoặc mùng 4 âm lịch, người già trong gia đình lại tiếp tục thực hiện “nghi lễ đuổi kiến”. Sau khi hóa vàng, sau ba ngày Tết không quét nhà, người cao tuổi nhất trong nhà cầm chổi chít quét từ những góc kín nhất của nhà cho đến gầm giường, gầm tủ và nền nhà. Khi quét, tay lia chổi, miệng người quét liên hồi đọc câu nói vần: “Kiến kềnh kiến càng, kiến vàng kiến nghệ, lệ khệ theo mẹ mà đi chợ”, “Mối kềnh mối càng, mối vàng mối nghệ, lệ khệ theo mẹ mà đi chợ”. Những câu nói vần được đọc lên như hát theo nhịp quét của chổi. Nếu có chú kiến, chú mối nào lẫn vào đống rác thì người quét cũng nhẹ tay chổi để chúng khỏi bị chết và được đưa ra khỏi nhà. Mục đích của tục đuổi kiến là muốn xua đuổi kiến, mối ra khỏi nhà, làm cho chúng không làm hỏng cột nhà, làm hại mùa màng và vật chất của con người.

Đồng bào Tày vùng cao Tây Bắc tấp nập xuống chợ Tết.
Đồng bào Tày vùng cao Tây Bắc tấp nập xuống chợ Tết.

Tục xin lửa, lấy nước vào đêm giao thừa: Đối với người Tày vùng cao Tây Bắc thì ngọn lửa và nước là hai thứ đặc biệt quan trọng, gắn bó chặt chẽ trong cuộc mưu sinh của đồng bào. Vì vậy, vào đêm giao thừa, nghi lễ lấy nước, xin lửa được người Tày tổ chức trang trọng và linh thiêng. Khi tiếng gà gáy đầu tiên của năm mới báo hiệu thời khắc giao thừa đã đến, người Tày chuẩn bị ba chiếc bánh chưng, ba lá trầu đẹp, ba cái băng bạc, ba que hương cắm vào nơi bếp lửa và nơi lấy nước thường ngày. Chủ nhà cầu xin thần nước, thần lửa ban cho ngọn lửa ấm và dòng nước ngọt từ trong núi; xin được lấy lửa và nước của năm mới, cầu xin sang năm mới có cuộc sống no ấm, sung túc hơn năm cũ. Sau khi lấy lửa xong, lửa được đưa vào bếp chính giữa nhà sàn, chất thêm củi để cho bếp lửa cháy bùng tạo hơi ấm và ánh sáng vào khoảnh khắc giao thừa. Nước lấy được đun trên bếp giữa nhà sau đó pha chè, mời tất cả các thành viên trong gia đình cùng uống để thưởng thức chén nước mới của năm mới. 

Kiêng không sát sinh vào dịp Tết: Người Tày ở một số tỉnh vùng cao Tây Bắc có tục kiêng không sát sinh vào những ngày Tết. Vì vậy, mọi hoạt động chuẩn bị cho các món ăn đều được làm trước ngày mùng một Tết. Vào những ngày cuối của năm, người ta hái rau, đào măng, mổ gà, mổ vịt, mổ lợn, chặt các loại cây… Còn đã bước sang năm mới, tuyệt đối không được sát sinh dù chỉ là hái rau hay đào củ. 

Cúng ma tổ vào sáng mùng một Tết: Sáng mùng một Tết, người Tày dậy thật sớm để chuẩn bị làm mâm cơm cúng ma tổ. Trong quan niệm của đồng bào Tày, ma tổ có vai trò bao quát tất cả mọi việc của gia đình trong cả một năm. Do vậy, trước khi người nhà và vật nuôi được ăn cỗ Tết thì phải dâng lên ma tổ mâm cơm thịnh soạn tùy theo hoàn cảnh gia đình để mời ma tổ về chứng giám lòng thành tâm và ăn bữa cơm năm mới. Làm như thế, các thành viên trong gia đình sẽ gặp nhiều may mắn và phát đạt trong năm mới.

Cho vật nuôi ăn Tết: Trong quan niệm của đồng bào Tày, con vật trong năm đã vất vả cùng với người làm ra của cải vật chất, làm bạn với con người nên Tết đến xuân về cũng cần được ăn Tết. Sáng mùng một Tết, bà chủ nhà cùng con dâu mang một cặp bánh chưng, hai lá trầu, hai chiếc băng bạc, hai que hương đến cắm tại cửa chuồng nuôi lợn, gà, bò, ngựa hay trâu để cảm tạ trong năm qua đã cùng con người vất vả làm ra hạt gạo, hạt ngô để nuôi sống con người. Sau đó, người ta thả vật nuôi và cho chúng ăn những món ăn như cháo, cám gạo, bột ngô, rau củ ngon hơn ngày thường.

Kiêng không mừng tuổi: Nếu đối với người Kinh, mừng tuổi trở thành một phong tục quen thuộc mỗi năm Tết đến xuân về thì đối với đồng bào Tày ở vùng Tây Bắc, người ta kiêng không mừng tuổi vào ngày Tết. Trong quan niệm của đồng bào nơi đây, nếu mừng tuổi sẽ không may mắn vì năm mới lại mang tiền đi cho và người được mừng tuổi sẽ bị coi khinh, coi thường vì nghèo hèn nên mới nhận tiền của người khác vào năm mới.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sôi nổi Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024
Chào mừng kỷ niệm 99 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tạo sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn bóng đá mini, từ ngày 13 đến 15/6, Báo Đắk Lắk đã tổ chức Giải Bóng đá mini nam Báo Đắk Lắk mở rộng lần thứ X – Năm 2024.