Multimedia Đọc Báo in

Con gà trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày Tây Bắc

15:17, 31/01/2017

Gà là con vật lành, không chỉ gắn bó với đời sống nông nghiệp của cư dân Tày vùng Tây Bắc mà còn gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào nơi đây. Con gà xuất hiện trong những lời hát ru, những câu tục ngữ và những phong tục, tập quán cổ truyền từ bao đời nay ở vùng cao Tây Bắc…

Từ bao đời nay, đồng bào Tày vùng Tây Bắc đã thuần hóa, đưa gà rừng về nuôi và dần dần gà trở thành vật nuôi chính trong đời sống nông nghiệp của con người. Con gà có mặt trong nhiều hoạt động tín ngưỡng, phong tục và sinh hoạt của đồng bào Tày với những quan niệm nhân sinh sâu sắc về thiên nhiên, con người và cuộc sống.

Với câu từ mộc mạc, giản dị, những câu hát ru của đồng bào Tày vùng Tây Bắc thường có hình ảnh con vật lành gần gũi và quen thuộc: “Ngủ ngon bé ngủ cho ngon/Ngủ chờ mẹ thả gà lên rẫy cũ sườn non/Gà ăn thóc vãi no béo mập”. Những bài hát ru Tày vùng Tây Bắc với hình ảnh con gà là những biểu hiện của ước mong những giá trị vật chất đầy đủ trong đời sống nông nghiệp: “Ngủ ngon con ngủ cho ngoan/Gà mẹ đầy diều mới có trứng/Có nhiều trứng để cho con ăn/Ngủ ngon con ngủ cho ngoan à a à à ới ơi…”.

Đồng bào Tày gùi đôi gà xuống chợ phiên.
Đồng bào Tày gùi đôi gà xuống chợ phiên.

Không chỉ vậy, hầu hết những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Tày đều không thể thiếu con gà. Trong lễ dựng nhà sàn, người Tày sử dụng gà để làm vật lễ như cúng tế thần linh, tổ tiên, mừng bữa cơm đầu đón nhà mới sau khi hoàn thành… Anh em, hàng xóm đến làm giúp thường mang theo con gà để mừng nhà mới, mong cho gia chủ sau này có cuộc sống sung túc. Trong nghi lễ cúng của thầy then trong các bản Tày hay lễ cúng rừng, lễ mừng cơm mới, con gà luôn được coi là lễ vật quan trọng của mâm cúng. Để có một lễ cúng tươm tất, người Tày chọn mổ một con gà to được nuôi bằng thóc của nhà làm ra rồi luộc cùng đĩa xôi để cúng lễ. 

Con gà cũng có mặt trong nghi lễ đám ma của người Tày vùng Tây Bắc từ lâu đời. Khi ở bản Tày có người qua đời, anh em ở khắp các bản trong vùng đến cùng gia chủ tổ chức tang lễ. Khi đến, họ không quên mang theo chai rượu và một chiếc bu đan bằng nứa, trong đó nhốt một con gà ri nhỏ chừng nửa ký. Những con gà phúng viếng đó không để giết thịt làm cơm mà để cho tang chủ dùng làm vật nuôi. Theo quan niệm của người Tày, phúng viếng con gà nhỏ để mong cho cuộc sống của tang chủ sau đám tang sẽ nảy nở, sẽ hồi sinh để lại được ấm no, hạnh phúc chứ không bị lụn bại. Khi đưa đám, người nhà sẽ xách theo chiếc bu gà để khi xây xong mồ mả, người ta buộc con gà cạnh mộ với mong muốn cuộc sống được hồi sinh. 

Từ đời này qua đời khác, với những quan niệm nhân sinh, những phong tục tập quán của người Tày, gà đã trở thành con vật lành gần gũi và rất đỗi thân thiết của con người, gắn với những nét văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc. 

Quan niệm về con gà của người Tày vùng Tây Bắc luôn gắn với sự kính trọng, sung túc. Trong mâm cỗ, khi ngồi ăn, cái đầu gà bao giờ cũng phải xếp lên trên cùng của đĩa thịt và đặt ở mâm những bậc cao niên trong gia đình. Bao giờ cũng vậy, người ta luôn gắp chiếc đầu gà được chặt đôi cho người cao tuổi nhất trong gia đình với sự kính trọng đối với người dẫn đầu, đứng đầu. Còn phần đùi gà thì luôn được để nguyên, không chặt từng miếng vì theo quan niệm của người Tày, chặt ra như thế cuộc sống sẽ trở nên lụn bại không sung túc. Khi biếu quà, người Tày Tây Bắc thường biếu các loại bánh kèm theo cặp đùi gà gói trong lá dong xanh ngắt. Trong những phiên chợ, người dân từ trong các bản Tày khi mang gà đi bán không bao giờ mang bán một con mà thường bán cả đôi vì theo quan niệm của đồng bào, cái gì cũng phải có đôi, có lứa, như thế cuộc sống mới luôn sung túc, phát triển. 

Vào ngày Tết, người Tày vùng Tây Bắc thường thịt gà trước giao thừa để cúng lễ và dùng trong cả ba ngày tết. Sau nghi lễ cúng giao thừa, người trong nhà thường so sánh xem con vật nào kêu to, vang nhất thì sẽ suy ra những điều may mắn trong năm mới. Nếu gà cất tiếng gáy vang và to, chắc chắn năm mới cuộc sống sẽ may mắn, bình yên, mùa màng được tốt tươi, gia đình no đủ. Từ giao thừa trở đi, người Tày kiêng thịt gà vì họ cho đó là chuyện sát sinh, sẽ gây nên điều rủi ro. Vì thế, trong ba ngày tết, người Tày chăm sóc đàn gà như những thành viên trong gia đình mình vậy. Họ cho gà ăn thóc, ăn gạo trắng rồi cho ăn cả bánh chưng tết. 

Trong văn hóa ẩm thực của cư dân Tày vùng Tây Bắc, những món ăn được chế biến từ gà đã trở thành đặc sản đậm đà dư vị chỉ có ở những bản Tày. Những món ăn như gà luộc chấm muối trộn hạt mắc khen, gà lam ống nứa, gà nướng trên than hồng, nem măng thịt gà, canh kiệu nấu thịt đã tạo nên những nét ẩm thực khó quên của vùng đất Tây Bắc.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.