Multimedia Đọc Báo in

Phản hồi về bài báo: "Cần xử lý dứt điểm trường hợp cố tình chiếm đất, xây dựng trái phép ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột"

20:50, 25/06/2014
Báo Dak Lak Cuối tuần số ra ngày 8-12-2013, mục Tòa soạn và Bạn đọc có đăng bài “Cần xử lý dứt điểm trường hợp cố tình chiếm đất, xây dựng trái phép ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột”. Bài báo trích đăng đơn phản ánh của ông Huỳnh Lâm (trú tại thôn 2, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) về việc bà Nguyễn Thị Thúy (ở cùng thôn) đã chiếm phần đất mà ông Huỳnh Lâm sang nhượng lại của bà Phạm Thị Hương và xây dựng nhà trái phép trên phần đất lấn chiếm.

Ngày 23-6-2014, bà Nguyễn Thị Thúy có đơn phản hồi về vụ việc trên như sau: Tại bản án số 94/2013/DSST ngày 26-7-2013, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã xác định: Theo văn bản phân chia tài sản thừa kế ngày 10-4-2007 có chứng thực tại UBND xã Hòa Phú, thì bà Phạm Thị Hương được mẹ là bà Bùi Thị Giằng chia diện tích đất 150m2, trong đó có 60m2 đất ở tại địa bàn thôn 2, xã Hòa Phú. Ngày 12-7-2007 bà Hương được UBND TP. Buôn Ma Thuột cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 546844, thửa đất số 353, tờ bản đồ số 23 là 150m2, trong đó có 60m2 đất ở và 90m2 đất trồng cây hằng năm khác, còn lại diện tích đất mặt tiền Quốc lộ là 100m2 thuộc quy hoạch lộ giới. Đến năm 2009 bà Phạm Thị Hương ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Huỳnh Lâm toàn bộ diện tích đất trên là 150m2 với giá 60 triệu đồng có xác nhận của UBND xã Hòa Phú theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 546844, ngày 31-12-2009 đã được điều chỉnh sang tên ông Huỳnh Lâm với diện tích 150m2, không có phần đất lộ giới. Việc ông Lâm cho rằng bà Hương viết giấy giao cho ông diện tích đất lộ giới, khi nào Nhà nước thu hồi thì ông Lâm sẽ có trách nhiệm trả cho Nhà nước là không phù hợp, bởi diện tích đất này Nhà nước không cấp quyền sử dụng cho bà Hương thì bà Hương cũng không có quyền chuyển nhượng cho ông Lâm diện tích đất Nhà nước đã quy hoạch lộ giới. Còn diện tích căn quán, các bên đều thừa nhận rằng do ông Phạm Công Hoàng thuê đất của bà Bùi Thị Giằng xây dựng quán để sửa xe đạp. Khi bà Hương thừa kế đất của bà Giằng thì trên đất có căn quán do bà Thúy đang thuê và bà Hương tiếp tục cho bà Thúy thuê, nhưng khi bà Hương chuyển nhượng cho ông Lâm không có phần diện tích đất lộ giới. Căn quán lại nằm trên diện tích đất lộ giới được bà Thúy sử dụng để kinh doanh buôn bán từ lâu và do bà Thúy đã mua lại của ông Hoàng căn quán đó nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của ông Lâm buộc bà Thúy dỡ quán.  Trên cơ sở đó, án sơ thẩm TAND TP. Buôn Ma Thuột bác đơn yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh Lâm. Ông Huỳnh Lâm kháng cáo lên TAND tỉnh, nhưng bản án phúc thẩm ngày 10-1-2014 của TAND tỉnh tiếp tục bác đơn, y án sơ thẩm.

Về việc xây dựng nhà trái phép, bà Thúy giải trình: Do căn quán sập sệ nên bà làm đơn xin phép chính quyền sửa chữa để bảo đảm việc kinh doanh, mặc dù chưa được UBND xã Hòa Phú cấp phép nhưng bà vẫn gia cố vì sợ quán sập ảnh hưởng đến tính mạng, bà xin hứa sẽ chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước. Bà cũng không có hành vi nào chống đối, lăng mạ người thi hành công vụ.

Nay thông tin lại để cho bạn đọc được biết.

Tòa soạn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.