Ăn Tết ở làng Mường
Chúng tôi đến làng Mường ở xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột khi tiết trời đã cuối đông. Vào những ngày này, hầu hết người dân nơi đây đã gác mọi công việc đồng áng để chuẩn bị cho những lễ hội quan trọng sắp diễn ra trong dịp Tết.
Rời xa quê hương Hòa Bình từ những năm 1954, nhưng tới nay người dân tộc Mường đang định cư tại xã Hòa Thắng vẫn còn giữ gìn nguyên vẹn văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mỗi khi Tết đến Xuân về. Ông Nguyễn Văn Đồng (77 tuổi) chủ đình Thịnh Lang (thôn 3, xã Hòa Thắng) cho chúng tôi hay: Không giống như một số dân tộc khác, người Mường không tổ chức cúng tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp, vì theo quan niệm của họ, ông Táo là thần bếp cai quản việc bếp núc trong nhà, chỉ ở trong nhà không đi đâu cả. Người Mường coi ngày cúng ông Công, ông Táo là ngày không may (họ quan niệm số 23 là con số xấu) nên trong ngày này, hầu hết người dân trong làng không ai lên rừng lấy củi, hay xuống sông đánh cá. Vào ngày 25 tháng Chạp, ông chủ đình sẽ ra đình làng tổ chức lễ Phong mã (nghĩa là đóng cửa rừng). Lúc này, ông chủ đình và người giữ từ sẽ dọn dẹp vệ sinh, thay nhang đèn, phướn lọng cho thần hoàng làng cùng đón năm mới. Đây là thời điểm người dân xứ Mường chính thức nghỉ ngơi vui xuân, không ai ra đồng làm việc, không đào đất, lên rừng, đánh cá,... Ngày 27 Tết được gọi là ngày Chấp ấn (nghĩa là khóa sổ, không đóng ấn tín), lúc này ông chủ đình sẽ chính thức cắm cây nêu giữa sân đình. Theo tín ngưỡng của người Mường, việc cắm nêu là để chứng minh đất đã có chủ, trừ đuổi ma tà không được xâm phạm vào địa phận làng Mường, đồng thời người dân trong làng ai cũng phải đặt cây nêu giữa sân nhà và chỉ được hạ xuống vào ngày mùng 7 tháng giêng khi ông chủ đình đã làm lễ Khai hạ.
Đấu vật là một trong những trò chơi dân gian đặc sắc của người Mường ở xã Hòa Thắng trong lễ Khai hạ. Ảnh: Hoàng Gia |
Vào những ngày 29 - 30 Tết, làng Mường ở Hòa Thắng rộn ràng hơn bởi tiếng hò reo của trai Mường giết lợn tế thần, hay tiếng trò chuyện rôm rả của những cô gái Mường khi gói bánh chưng, bánh ống (bánh tét). Bạn Đinh Thị Bích Thùy (24 tuổi), sinh viên khoa Y năm cuối, Trường Đại học Tây Nguyên tâm sự: “Năm nào cũng vậy, khi được nghỉ Tết em lại đến gói và nấu bánh với các chị em trong làng. Dù xã hội đã có nhiều đổi thay, truyền thống tặng bánh chưng chúc nhau ngày Tết khi xưa đã dần thay thế bằng những chai rượu ngoại, những hộp quà đắt tiền, nhưng người Mường chúng em vẫn giữ được nét văn hóa tặng bánh chưng, bánh tét cho ông bà, cha mẹ”. Còn chị Bùi Thị Hạnh (45 tuổi, người dân thôn 3) thì bộc bạch: “Việc nhận được cặp bánh ống trong ngày Tết là một niềm vui và tự hào lớn của ông bà, cha mẹ khi con cháu vẫn giữ gìn được văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Thiếu nữ Mường bên bếp lửa nhà sàn. |
Sau những giây phút đón giao thừa ấm cúng bên gia đình, người thân, sáng mùng 1 Tết, khi những giọt sương mai còn chưa kịp tan, người dân xứ Mường đã lục đục dậy chuẩn bị cho ngày đầu năm. Với người Mường, ngày Tết nhà nào cũng sắp sẵn một mâm cỗ ăm ắp thức ăn rồi cùng nhau mang ra đình làng cúng thần hoàng, mời ông bà tổ tiên về dự. Người ta chúc Tết nhau bằng câu chúc giản dị, chan chứa tình cảm: "ăn lành, ở khỏe", sau đó mời nhau uống một chén rượu mừng xuân, rồi cùng thưởng thức những món ăn do chính tay mình nấu. Ăn Tết tới mùng 6 tháng giêng, mỗi gia đình sẽ cử một người đến đình làng để "chầu chực" các vị thần linh. Khi kim đồng hồ điểm thời khắc bước sang ngày mùng 7, ông chủ đình sẽ cuốc đất làm lễ Động thổ, tiếp đến là lễ Bông vải cầu mùa màng thuận lợi và cuối cùng là lễ Hạ nêu (Khai hạ). Khi âm thanh sắc bùa (cồng chiêng) vang lên, phần lễ chính thức bắt đầu. Thời khắc ấy, ông chủ đình trang nghiêm trong bộ khăn đóng, áo dài lâm râm đọc bài khấn lễ đầu năm, cầu xin thần hoàng làng, trời đất cho người Mường sức khỏe dồi dào, mùa màng no ấm,... Hấp dẫn nhất trong ngày Tết ở làng Mường có lẽ là phần khai hội. Già trẻ, gái trai trong làng ai cũng háo hức tham gia. Phần hội được bắt đầu bằng các trò chơi dân gian như ném đúm, kéo co, leo cột mỡ, đấu vật,... Người ta thường bắt gặp hình ảnh ông chủ đình luôn là người đầu tiên ném đúm, hay đứng đầu đội kéo co,... Đó là để thể hiện tôn ti trật tự, sự kính trọng đối với người đứng đầu trong làng. Phần hội thường kết thúc vào lúc xế chiều, khi đó ai về nhà nấy và bắt tay vào làm những công việc đầu năm với hy vọng một năm mới nhiều bình an, thuận lợi.
Ngoài lễ Hạ nêu, người Mường ở Hòa Thắng vẫn còn gìn giữ trọn vẹn những lễ hội đặc sắc của người Mường vùng cao phía Bắc như: lễ Mừng cơm mới vào rằm tháng 10, lễ Hạ điền vào rằm tháng 5, lễ Thượng điền vào rằm tháng 8,... Nhưng có lẽ lắng lại trong lòng du khách lâu hơn cả là tấm lòng của người Mường trên mảnh đất cao nguyên này, dù xa quê hương nhưng không bao giờ quên gốc rễ cội nguồn, bản sắc vùng miền của dân tộc mình.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc