Nghe chiêng ở buôn Kon H'ring
Mỗi năm sau mùa thu hoạch, đúng vào ngày đầu tiên của năm mới, tiếng chiêng ở buôn Kon H’ring, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar lại vang lên rộn rã. Đã bốn mươi mùa rẫy trôi qua, tiếng chiêng vẫn luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng, là âm thanh kết nối, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Xê Đăng dưới chân núi Cư Dliê Mnông.
Tôi trở lại ngôi làng bé nhỏ Kon H’ring nằm dưới chân ngọn núi Cư Dliê Mnông trong ngày buôn làng đang mở hội. Cả buôn làng ai cũng náo nức, khi tiếng chiêng của ngày hội mừng mùa truyền thống vang lên. Gửi gắm trong tiếng chiêng ấy là khát vọng và đam mê, là mong ước hạnh phúc, ấm no của buôn làng. Tôi cảm nhận được trong tiếng chiêng ấy là cả nguồn năng lượng nội sinh có thể đánh thức ký ức, vang vọng đến tương lai. Trong mắt chàng trai A Điệp như có lửa, bừng lên theo từng nhịp chiêng. Đôi mắt của 10 năm về trước từng ám ảnh tôi khi lần đầu tiên gặp A Điệp biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2005. Vẫn là vóc dáng của chàng trai Xê Đăng da nâu, mắt sáng, và tiếng chiêng vẫn thôi thúc lòng người.
Đội chiêng nhí của buôn diễn tấu cồng chiêng tại Lễ mừng cơm mới. |
Đã bốn mươi mùa rẫy kể từ ngày ngôi làng được gây dựng, tiếng chiêng vẫn vang lên đều đặn hằng năm trong mỗi dịp mừng cơm mới. Thế hệ như A Điệp đều sinh ra và lớn lên trong tiếng chiêng thân thuộc ấy, trưởng thành qua mỗi mùa lễ hội. Dường như trong âm thanh trầm bổng ngân vang giữa núi rừng là chất chứa bao niềm mơ ước, khát vọng vươn mình. Trưởng buôn A Nit chia sẻ nỗi niềm: “Bom đạn chiến tranh đã làm cho người dân ở làng Kon H’ring ly tán; từ Kon Tum, người thì lên Pleiku, người lên Buôn Ma Thuột. Sau ngày giải phóng, năm 1975, bà con mình đã về dưới chân núi Cư Dliê Mnông để gây dựng buôn làng mới - buôn Kon H’ring bây giờ. Trải qua biết bao khó khăn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bây giờ đời sống của bà con đã khấm khá hơn nhiều rồi. Nhưng dù cuộc sống có đổi thay đến đâu thì không ai trong buôn có thể quên tiếng chiêng, tiếng kèn của tổ tiên, ông bà để lại. Những người già trong buôn đã dạy con cháu như thế, không được quên, đánh mất nguồn gốc của mình. Lễ mừng cơm mới hằng năm được buôn làng duy trì vừa là để gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc vừa nhắc nhở con cháu về cội nguồn. Năm nay, lễ mừng cơm mới có phần sung túc hơn mọi năm, bởi năm nay bà con được mùa cà phê”.
Múa mừng mùa. |
A Nul - người truyền dạy chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác cho đám trẻ trong buôn bảo: “Không có chiêng cuộc sống sẽ rất buồn. Tiếng chiêng nuôi dưỡng tâm hồn, nhắc nhớ về những truyền thống tốt đẹp của cộng đồng nên trong buôn gần như ai cũng biết đánh chiêng, người già truyền dạy cho người trẻ. Đêm đêm bọn trẻ vẫn đến nhà để nghe mình thổi Klông pút. Thấy bọn trẻ vẫn đầy đam mê như vậy, mình mừng lắm!”. Cứ như thế, đến nay, tiếng chiêng, tiếng kèn gắn bó với đời sống cộng đồng của người Xê Đăng trong ngôi làng thanh bình dưới chân núi Cư Dliê Mnông này. Có lẽ, đây cũng là một trong những nơi lưu giữ nhiều bộ chiêng nhất và cũng là một trong những buôn làng hiếm hoi trên cao nguyên Dak Lak tự thân tổ chức lễ mừng cơm mới và duy trì nó đều đặn hằng năm với sự tham gia của cả cộng đồng. Cho nên, vào ngày lễ mừng mùa, không khí rộn rã khắp buôn làng, nhà nhà ai cũng muốn tự tay làm một vật lễ nào đó để dâng lên cúng Giàng. Gia đình A Thuyên, từ người trẻ đến người già đều tất bật từ sáng sớm, người thì chuẩn bị gạo nếp, thứ nếp rẫy ngon nhất để làm cơm lam, người thì chuẩn bị rượu cần, những ché rượu cần to nhất, ngon nhất mang ra nhà sinh hoạt cộng đồng để chung niềm vui với buôn làng.
“Ơ Giàng! Ơ Thần lúa, hôm nay hồn lúa đã về với buôn làng, cầu mong sang năm mới thóc đầy nhà, lúa đầy nương, cuộc sống buôn làng luôn no đủ” - lời Già làng A Mam quyện trong tiếng chiêng vang vọng giữa núi rừng, chất chứa niềm mong ước rất đỗi bình dị của người dân nơi đây. Giai điệu bài chiêng Liêng ngân lên sao mà thôi thúc, giục giã, những ché rượu cần đầy vơi cho những vòng xoang nối dài mãi. Tôi cảm nhận được niềm vui và tự hào trên gương mặt của nghệ nhân A Nul, A Plôi theo từng nhịp cồng chiêng vang lên từ “đội chiêng nhí” của buôn. Những âm thanh trong trẻo ấy vút lên, ngân vang giữa núi rừng là niềm tin của người già và là sự khẳng định của thế hệ kế tục. Một ngày, chỉ có tiếng chiêng, điệu kèn Rwai, Klông pút lúc du dương, khi rộn rã khắp buôn làng, vang vọng giữa đại ngàn xanh thẳm. Một ngày, bản năng được đánh thức, ký ức dội về. Một ngày, con người và đất trời được giao hòa, cộng cảm... Khi mặt trời khuất dần vào rặng núi, lửa như được thắp lên trong cộng đồng ở buôn làng bình yên - ngọn lửa của ước mơ, khát vọng vươn mình.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc