Multimedia Đọc Báo in

Bến phà Long Đại - "Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi"

17:41, 19/10/2018

Bến phà Long Đại nằm ở Km 1004 + 810 thuộc nhánh Đông của tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, những chuyến xe vận tải từ hậu phương miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam phần lớn phải đi qua điểm vượt sông trọng yếu này.

Trước khi đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965 - 1968), bến phà Long Đại do Ty Giao thông vận tải Quảng Bình quản lý. Từ năm 1965, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nút giao thông này được giao cho Tỉnh Đội Quảng Bình tiếp quản để dễ bề huy động và kết hợp mọi nguồn lực nhằm phục vụ công tác vận tải trong điều kiện chiến tranh.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất, nhân dân miền Bắc vừa phải chống trả những cuộc tấn công hủy diệt của kẻ thù vừa làm hậu phương vững chắc cho mặt trận miền Nam. Để đáp ứng với tình hình, nhiệm vụ mới, bến phà Long Đại được chuyển qua Đoàn 500 Tổng cục Hậu cần tiền phương. Bộ Tư lệnh 500 được thành lập tháng 10-1968, làm nhiệm vụ trung chuyển cho Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), đóng tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Từ giữa năm 1970 - 1971, Đoàn 500 sáp nhập với Đoàn 559, giới tuyến phụ trách từ nam sông Lam (Nghệ An) đến Lộc Ninh (Bình Phước). 

ầu đường sắt  Thống Nhất song song với cầu đường mòn Hồ Chí Minh nối liền bến phà Long Đại.
Cầu đường sắt Thống Nhất song song với cầu đường mòn Hồ Chí Minh nối liền bến phà Long Đại.

Một trong những lực lượng chủ lực đóng chốt tại bến phà Long Đại là đơn vị công binh C16 thuộc Binh trạm 16 (Đoàn 500). Có nhiệm vụ bám cầu, bám phà ngày đêm, đảm bảo thông xe, thông bến, cán bộ chiến sĩ C16 là những tấm gương điển hình về mưu trí chiến đấu, dũng cảm hy sinh. Với nhiều chiến công lập được, Binh trạm C16 được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 18-6-1969 bên cạnh nhiều Huân chương Quân công và Chiến công được trao cho tập thể và cá nhân.

Cùng với đơn vị C16, trọng điểm bến phà Long Đại còn là nơi hợp lực chiến đấu của nhiều trung đoàn - binh chủng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… Để thông phà, thông tuyến, các thứ quân đã xây dựng trên hai bờ bến phà thành những trận địa phòng không dày đặc sẵn sàng đánh trả máy bay địch, bảo vệ bến phà với khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến! Tất cả vì miền Nam ruột thịt!”, “Mỗi chuyến phà thông là một chiến công góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!”.

Từ tháng 12-1966, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao trọng trách làm Tư lệnh bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559). Ông xác định nhiệm vụ chủ chốt của bộ đội Trường Sơn là kịp thời chi viện cho mặt trận miền Nam. Khi địch bắn phá tại phà Long Đại, ông đã cho quân tạo thêm những bến phà mới rồi ngụy trang thật cẩn thận để "hút" địch vào những giờ cao điểm chúng đánh phá. Rồi khi các bến phà ngụy trang bị địch phát hiện, ông chủ trương tân trang lại những chiếc phà hỏng hóc, đặt hình nộm người và cả xe cộ trên đó rồi cho di chuyển. Khi địch điên cuồng tập trung tiêu diệt mục tiêu nghi binh ấy, sẽ bị trận địa pháo phòng không của ta đón đánh, tạo điều kiện cho những đoàn xe chở hàng đều đặn thông bến.

Với lý tưởng “Tất cả vì miền Nam ruột thịt!”, không quản mồ hôi, xương máu, lớp lớp bộ đội, thanh niên xung phong và người dân tại bến phà Long Đại đã xông pha trong mưa bom bão đạn của kẻ thù, kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh để luôn giữ cho mạch máu giao thông chảy suốt, góp phần lớn lao vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc chiến để giữ lại chiếc cầu phà cam go không kém trận địa bảo đảm an toàn cho những chuyến phà vượt sông. Mỹ có đầy đủ các loại bom phá, bom sát thương để đánh sập cầu phà Long Đại, trong đó thả bom từ trường xuống lòng sông là thủ đoạn thâm độc nhất. Bom từ trường là loại bom nổ chậm, khi các mục tiêu có cấu tạo bằng kim loại nhiễm từ như xe, phà… gặp vùng từ trường cũng là lúc ngòi của bom sẽ được kích nổ để tiêu diệt mục tiêu. Những đội cảm tử kích nổ bom từ trường được thành lập, tiêu biểu là Tiểu đoàn 27 (Quân khu 4). Trước lúc xuống ca nô làm nhiệm vụ, những người lính cảm tử được đơn vị làm lễ truy điệu sống. Đó là những ngày sự sống và cái chết chẳng sá gì so với nhiệm vụ quyết chí không để hàng hóa vào chiến trường miền Nam bị đình trệ. Bến phà Long Đại còn ghi dấu chiến công của trung đội pháo phòng không nữ 12 ly 7, năm 1967 các chị đã bắn rơi máy bay Mỹ và được Bác Hồ trao tặng Huy hiệu cao quý của Người.

Đền Tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn phà Long Đại.
Đền Tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn phà Long Đại.

Đau thương nhất trong những ngày lửa đạn tại “túi bom” Long Đại chính là sự hy sinh của 31 thanh niên xung phong người Nghệ An và Thái Bình. Ngày 16-6-1972, bom đánh trúng hầm lực lượng thanh niên xung phong Nghệ An cạnh bến phà làm 16 anh, chị hy sinh trong đó có 3 nam, 13 nữ. Sau thương vong nặng nề, đơn vị phải chuyển về tuyến sau củng cố lực lượng, Đại đội Thanh niên xung phong C130 chủ yếu là nữ, quê ở Thái Bình được điều động về thay thế. Ngày 19-9-1972, máy bay Mỹ oanh tạc, tại bến phà 2 (cách bến phà 1 khoảng 100 mét xuôi theo dòng Long Đại) 4 nam thanh niên xung phong hy sinh trên sông khi đang làm nhiệm vụ và 11 anh, chị (4 nam, 7 nữ) đã hy sinh do bị sập hầm trong lúc trú ẩn.

“Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi” (trích bài thơ “Đêm qua phà Long Đại” của nhà thơ, liệt sỹ Vũ Đình Văn) ngày ấy nay từng vết thương đã kịp lên da non với cây cầu hiện đại bắc qua sông Long Đại thơ mộng, hiền hòa song song với cây cầu đường sắt trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Nơi đây từ lâu được biết đến là một trong những cảnh quan đường sắt đẹp nhất Việt Nam.

Cũng tại nơi bến phà cũ, trên ngọn đồi cao non nước hữu tình, tháng 7-2013, Đền Tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn phà Long Đại được khánh thành với các hạng mục đền thờ linh hồn các liệt sỹ, tháp báo ân và tháp chuông. Chiến công và sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị trong binh chủng hợp thành tại “tọa độ lửa” bến phà Long Đại đang được đồng đội và thế hệ hôm nay mãi mãi trân trọng, tự hào tiếp bước.

Nguyễn Tiến Dũng   


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.