Bảo hiểm xã hội – nhịp cầu an sinh
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là trụ cột quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Để nâng cao độ bao phủ BHXH, BHYT; đặc biệt là khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, ngành BHXH đã phối hợp với các tổ chức, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách...
Giảm gánh nặng kinh tế
Những năm gần đây, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh khiến đời sống, kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng việc phát triển đối tượng tham gia BHXH và BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn đạt những kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là sự thay đổi nhận thức của một bộ phận người dân, người lao động trong việc tham gia BHYT và BHXH tự nguyện.
Ông Nguyễn Trọng Vũ (thị trấn M’Drắk, huyện M’Drắk) đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện chia sẻ: “Tôi nằm viện điều trị bệnh xơ gan gần một tháng nay, may mắn có thẻ BHYT nên đã giảm bớt gánh nặng chi phí. Với căn bệnh này phải điều trị lâu dài, nếu không có thẻ BHYT thì kinh tế gia đình tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Ông Nguyễn Trọng Vũ điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện M'Drắk. |
Thống kê của BHXH tỉnh cho thấy, trong năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 2.423.000 lượt người khám chữa bệnh BHYT với chi phí khoảng 1.234 tỷ đồng (đã bao gồm chi thanh toán trực tiếp và chăm sóc sức khỏe ban đầu). Với con số này có thể thấy, khi người dân tham gia BHYT, họ đã trang bị cho mình “tấm bùa hộ mệnh” để giảm gánh nặng kinh tế trong trường hợp ốm đau, bệnh tật; nhất là khi bệnh nặng, cần phải điều trị lâu dài, chi phí điều trị cao.
”Cùng với sự xây dựng và phát triển của ngành BHXH, tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh cũng tăng trưởng nhanh qua từng năm. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện với người tham gia” - ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh. |
Song song với việc tham gia BHYT, những người dân tham gia BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng cũng có “tấm thẻ” để an tâm khi về già mà không phải phụ thuộc vào con cháu, người thân. Điều đáng mừng là hiện nay nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ đã chủ động tham gia BHXH tự nguyện để có chút “vốn liếng” khi về già. Đơn cử như trường hợp chị Hoàng Thị Thanh Vân (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) sau hơn một năm làm việc tại một doanh nghiệp (đã được đóng BHXH) đến đầu năm 2023 thì nghỉ việc nên đã đến Bộ phận một cửa cơ quan BHXH huyện để tìm hiểu việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện chứ không có ý định rút sổ. Theo chị, bản thân còn trẻ còn có sức làm việc nên chọn tham gia BHXH tự nguyện để khi về già có lương trang trải cuộc sống bởi không ai biết trước được cuộc sống sau này.
Để chính sách bảo hiểm xã hội đi sâu vào cuộc sống
Những năm qua, bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Đắk Lắk đã từng bước đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Điều này thể hiện rõ qua việc phát triển đối tượng tham gia qua các năm cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương; sự quan tâm, tham gia của người dân.
Nếu như năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 101.739 người, BHXH tự nguyện 13.322 người, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 89.787 người thì đến cuối năm 2022, số người tham gia BHXH bắt buộc gần 107.000 người; BHXH tự nguyện 18.431 người; BHTN là 95.480 người. Đối với BHYT, tỷ lệ bao phủ cũng tăng từ 90,23% (năm 2020) lên 92,27% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (91,75%). Bên cạnh việc triển khai các chính sách chung, các cơ quan BHXH từ Trung ương đến các địa phương đã chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng vận động các nguồn lực xã hội để mua thẻ BHYT, sổ BHXH tặng cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để lan tỏa chính sách bảo hiểm, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội.
Chị Hoàng Thị Thanh Vân đến cơ quan BHXH huyện Ea Kar để tìm hiểu về chính sách tham gia BHXH tự nguyện. |
Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Thời gian qua, ngành BHXH tỉnh đã thực hiện tốt chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo các nghị quyết của Chính phủ; thường xuyên chủ động bám sát, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát huy hiệu quả tích cực trong các lĩnh vực công tác của ngành… để hoàn thành tốt nhiệm vụ; góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”.
Để tiếp tục phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, theo ông Nguyễn Khắc Tuấn, BHXH tỉnh sẽ chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền huy động sự vào cuộc đồng bộ để đẩy nhanh việc phát triển người tham gia; phối hợp với các đơn vị rà soát những doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi tham gia BHXH cho người lao động; củng cố tổ chức dịch vụ thu để người dân có thể tham gia BHXH tự nguyện, BHYT thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ phối hợp với các xã, phường để rà soát lại đối tượng thuộc gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình để hỗ trợ đóng BHYT theo quy định…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc