Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm y tế - "phao cứu sinh" cho bệnh nhân nghèo

08:14, 26/06/2023

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn và rất ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Hơn thế nữa, với nhiều bệnh nhân nghèo, tấm thẻ BHYT đã trở thành "phao cứu sinh" cho bản thân và gia đình họ giảm bớt gánh nặng kinh tế khi không may mắc bệnh phải điều trị dài ngày.

Từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Hoa (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) thường xuyên phải nhập viện để điều trị bệnh tim, phổi. Trong khi đó, gia đình bà chỉ có một mẹ một con, nhà lại thuộc diện hộ cận nghèo nên cuộc sống càng khó khăn, vất vả. Trước đây, khi còn khỏe, bà làm công việc tạp vụ cho một cơ quan nhưng nay phải nghỉ vì sức khỏe yếu. Bao nhiêu gánh nặng từ chi phí sinh hoạt, ăn uống, điều trị bệnh đều đặt lên vai người con. Bà Hoa bày tỏ: “Mỗi lần nhập viện tôi phải nằm điều trị hơn một tháng, về nhà được vài hôm thì bệnh lại tái phát. May mắn có BHYT chi trả phần lớn phí điều trị nên cũng đỡ được gánh nặng kinh tế”.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng kiểm tra sức khỏe cho bà Nguyễn Thị Hoa.

Ông Ngô Văn Ất (70 tuổi, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) cũng phải thường xuyên nằm viện để điều trị bệnh phổi. Do gia đình thuộc diện hộ nghèo, các con đều đã lập gia đình và cuộc sống cũng khó khăn nên bao nhiêu năm nay vợ chồng ông phải tự chăm sóc lẫn nhau. Để có một phần chi phí sinh hoạt khi chồng phải nằm viện điều trị dài ngày, vợ ông Ất phải tranh thủ đến quán ăn trước cổng bệnh viện phụ dọn dẹp, rửa bát kiếm cơm qua ngày và có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Ông Ất tâm sự: “Tuổi già, gia đình lại khó khăn nên khi phải nằm viện điều trị bệnh dài ngày cuộc sống của vợ chồng tôi càng vất vả trăm bề. Nếu không có BHYT chi trả phần lớn chi phí điều trị chắc chắn tôi không thể gắng gượng đến bây giờ”.

Bác sĩ Hồ Đức Châu, Trưởng Khoa Ngoại sản – Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Năng chia sẻ, đối với bệnh nhân phải điều trị bệnh dài ngày, nhất là những bệnh nhân nghèo thì chi phí điều trị rất tốn kém. Nếu không có thẻ BHYT, người bệnh khó và không thể tiếp cận lâu dài. Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT khám chữa bệnh chất lượng, hiệu quả, Bệnh viện Đa khoa huyện đã phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH tạo điều kiện cho bệnh nhân thực hiện các chế độ, thủ tục theo đúng quy định. Cùng với đó, không ngừng nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh, giúp người bệnh yên tâm khi đến bệnh viện…

Theo BHXH huyện Krông Năng, đến hết tháng 5/2023, số người tham gia BHYT trên địa bàn huyện là 112.942 người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,46% dân số toàn huyện. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 41.782 lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí  trên 11,8 tỷ đồng. Mọi quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được bảo đảm theo quy định; các thủ tục trong khám chữa bệnh được thực hiện nhanh chóng, tiện lợi, góp phần giúp người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu và hỗ trợ kinh phí khi phải điều trị bệnh nặng.

Bệnh nhân BHYT đăng ký khám bệnh tại Bệnh viên Đa khoa huyện Krông Năng.

Tham gia BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT chi trả khi không may ốm đau, bệnh tật, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đối với hộ nghèo và cận nghèo, tấm thẻ BHYT đã trở thành "phao cứu sinh", san sẻ gánh nặng khi họ không may ốm đau, bệnh tật, nhất là những bệnh nặng có chi phí điều trị cao, thời gian điều trị kéo dài như suy thận mãn, bệnh tim, ung thư… Trong đó, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80 - 100% chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi và quyền lợi hưởng tùy thuộc vào nhóm đối tượng.

Có thể nói, việc tham gia BHYT không chỉ giảm bớt gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình khi không may lâm vào cảnh bệnh tật mà còn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Mỗi tấm thẻ BHYT cũng thể hiện sự chia sẻ của cộng đồng với người ốm yếu, bệnh tật, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc ta "lá lành đùm lá rách", người khỏe chia sẻ với người bệnh...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.