Phát huy bài học đại đoàn kết từ Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám 1945 là một trong những sự kiện trọng đại nhất, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong một thời gian ngắn, với khí thế cách mạng sôi sục và trào dâng chưa từng có, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong cả nước.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã để lại nhiều bài học vô cùng quý báu. Một trong những bài học đó là cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân. Lúc phát động cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Đảng chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, một con số rất nhỏ bé so với tổng số dân nước ta lúc đó là khoảng 20 triệu người. Nhưng Đảng ta là một đảng tiên phong cách mạng, có đường lối đúng đắn, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, chính quyền về tay nhân dân, lại có phương pháp, hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt, kịp thời nắm bắt thời cơ, xây dựng và tổ chức, sử dụng lực lượng đúng lúc, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, nên đã động viên được hàng chục triệu nhân dân nhất tề vùng lên, chỉ trong vòng nửa tháng đã xác lập chính quyền nhân dân trong cả nước.
Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa sâu sắc không chỉ trong Cách mạng Tháng Tám 1945, trong hơn 30 năm chiến đấu gian khổ bảo vệ nền độc lập và thống nhất Tổ quốc, mà còn cho cả sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Đó là một chân lý lớn của cách mạng Việt Nam, một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh khi Người nhấn mạnh và thực hiện nhất quán: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".
Trong sự nghiệp đổi mới hơn 35 năm qua, dù phải đương đầu với biết bao khó khăn, thử thách, trong hoàn cảnh thời cơ và nguy cơ đan xen nhau, có lúc nguy cơ lấn át cả thời cơ, cùng với việc đề ra đường lối và các chính sách đổi mới đúng đắn, Đảng luôn luôn giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, gắn liền với sức mạnh thời đại, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, được sự đồng lòng của nhân dân, đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Thành quả đó là niềm tự hào, là động lực, là nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đông đảo nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Ảnh: Tư liệu |
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII đã tiếp tục khẳng định đây là một quan điểm, chủ trương lớn cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực củng cố, tăng cường trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta.
Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, với mục tiêu: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Đó cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy, Đảng luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời luôn tin tưởng vào ý chí cách mạng của nhân dân, vào sức mạnh của nhân dân, vào sự hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân.
Nhìn lại lịch sử, trong quá trình vận động Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Mặt trận Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được hun đúc, bồi đắp trong lịch sử, được phát triển và thực hiện theo nguyên tắc: không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp; mọi thành phần kinh tế, mọi giới và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam quy tụ trong Mặt trận Việt Minh đã góp phần làm lên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945.
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới đời sống nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân cần tập trung mọi nguồn lực, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19...
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư là lời hiệu triệu, tiếp thêm động lực cho toàn Đảng, toàn dân chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.
Duy Linh
Ý kiến bạn đọc