Multimedia Đọc Báo in

Thống nhất trình Trung ương 8 cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột

16:02, 22/08/2021

Ngày 22-8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị xem xét cho ý kiến Đề án một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở ngành và TP. Buôn Ma Thuột.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn ĐÌnh Trung phát biểu tại hội nghị
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tại hội nghị.

Kết luận 67-KL/TW, ngày 16-12-2019 về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định phương hướng là xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng để thành phố thực sự trở thành đô thị trung tâm và là cực tăng trưởng của vùng. Do đó, việc xây dựng đề án là hết sức cần thiết cho quá trình phát triển của TP. Buôn Ma Thuột.

Trên cơ sở đó, Tổ công tác của Tỉnh ủy đã đề xuất 8 cơ chế, chính sách đặc thù để trình Quốc hội ban hành, gồm: Nâng hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương lên mức 60%; Trung ương ưu tiên cho tỉnh vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về giao thông, xử lý rác, nước thải, y tế; Vốn nhà nước tham gia dự án PPP đối với các công trình đường cao tốc kết nối TP. Buôn Ma Thuột với các tỉnh trong khu vực; Bổ sung tiêu chí làm cơ sở phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương cho thành phố được xác định là đô thị trung tâm vùng; Tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 50% mức chi của các nội dung chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách năm 2022 để phân bổ thêm cho thành phố, tạo nguồn lực tăng chi cho một số ngành, lĩnh vực trọng tâm; Cho phép HĐND tỉnh được quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí; Cho tỉnh Đắk Lắk được hưởng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý để tạo nguồn lực đầu tư phát triển thành phố; Áp dụng hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất vào mục đích thương mại dịch vụ tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Kết luận hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung nhấn mạnh, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất trình Trung ương 8 cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan soạn thảo Đề án cần sớm hoàn thiện nội dung trên cơ sở yêu cầu đặt ra tại Kết luận 67 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 103 của Chính phủ, trong đó, xác định một số ngành, lĩnh vực phát triển theo chiều sâu. Nội dung Đề án phải thể hiện được sự cần thiết thiết, chặt chẽ và bổ sung danh mục các công trình, dự án đầu tư để bảo đảm tính hợp lý, thuyết phục. Bên cạnh đó, UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.