Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử ở huyện Krông Pắc

07:11, 07/09/2021

Huyện Krông Pắc đang nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), từng bước xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm cải thiện môi trường đầu tư, sắp xếp cơ quan hành chính nhà nước tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thích ứng với bối cảnh hội nhập.

Để nhất quán trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, huyện Krông Pắc đã cụ thể hóa nhiệm vụ bằng các văn bản chỉ đạo, điều hành theo thẩm quyền.

Người dân làm thẻ căn cước công dân tại Bộ phận hành chính công của huyện.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc Trần Hồng Tiến cho biết, huyện đang cố gắng cụ thể hóa nhiệm vụ, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, tạo cơ sở để các đơn vị trực thuộc từng bước thực hiện các nhiệm vụ liên quan nhằm tạo sự kết nối, đồng bộ trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.

Hiện tại, toàn bộ các văn bản của cơ quan Đảng, Nhà nước đều đã được số hóa thông qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành (iDesk), IDOC bao gồm các văn bản, tài liệu liên quan đến các cuộc họp. Từ đó tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương, giúp lãnh đạo địa phương theo dõi được việc triển khai nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Thay vì phải đợi 2 - 3 ngày thì hiện nay, các cơ quan, đơn vị có thể nhận được văn bản chỉ đạo nhanh ngay sau khi cấp có thẩm quyền ký và ban hành văn bản.

Theo ông Nguyễn Đình Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay càng thấy rõ được lợi ích, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện chính quyền điện tử. Việc thực hiện chính quyền điện tử đã giúp xã nắm bắt thông tin chỉ đạo điều hành của các cấp một cách nhanh chóng, tạo sự chủ động trong xử lý công việc của mình.

Đơn cử như thời điểm tháng 4-2021, khi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư xuất hiện, Đảng ủy, UBND xã nhận được văn bản hỏa tốc của các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch ngay trong đêm. Sau khi tiếp nhận văn bản, trên cương vị của mình, ông đã chủ động lên kế hoạch ứng phó, sáng hôm sau, địa phương đã có phương án hoạt động cụ thể cho từng bộ phận trực thuộc.

Hay thời điểm cuối tháng 7, xã Hòa Đông ghi nhận ca mắc COVID-19 tại buôn Ea K’mát. Bản thân ông thời điểm đó đang nằm viện điều trị nhưng vẫn tiếp cận được văn bản chỉ đạo điều hành của các cấp và phân công nhiệm vụ cho lực lượng chức năng địa phương nhanh chóng hỗ trợ ngành y tế khoanh vùng, truy vết các trường hợp liên quan... Nhờ đó, xã đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép phòng, chống dịch và gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Người dân xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc thực hiện khai báo y tế bằng mã QR nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.
 
Mặc dù các tiêu chí đánh giá liên quan đến công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực so với những năm trước, tuy nhiên nội dung đánh giá mức độ hài lòng của người dân vẫn đang còn thấp. Điều đó chứng tỏ huyện đã thực hiện CCHC, nhưng hiệu quả chưa cao. Vì vậy, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND huyện sẽ có kế hoạch giám sát chặt chẽ nội dung này".
 
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến

Về góc độ giám sát, điều hành của Đảng, HĐND các cấp trong bối cảnh mới, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến chia sẻ, chính quyền điện tử đã thổi luồng sinh khí mới vào công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy chính quyền các cấp tại địa phương. Bởi trong môi trường chính quyền điện tử, các cấp, các ngành có thể giám sát việc thực hiện nhiệm vụ lẫn nhau, bản thân người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi, giám sát hồ sơ của mình.

Thời gian tới, HĐND huyện sẽ giao các ban HĐND, Thường trực HĐND giám sát việc thực hiện công tác CCHC trên địa bàn, tăng cường giám sát để có thể công khai hơn, dân chủ hơn những nội dung liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để người dân, doanh nghiệp hài lòng hơn.

Tính đến thời điểm này, 100% phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND các xã, thị trấn Phước An đã ứng dụng phần mềm Quản lý văn bản, điều hành công việc chuyên môn hằng ngày. Hệ thống văn bản khối Đảng cũng được số hóa, ký số và gửi liên thông với hệ thống iDesk. Toàn huyện có 132 cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm một cửa điện tử gồm: 24 đơn vị cấp huyện; 16 đơn vị cấp xã, thị trấn; 92 trường học trên địa bàn.

Để xây dựng được chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số tại Bộ phận một cửa của huyện (Bộ phận hành chính công), năm 2021 huyện Krông Pắc sẽ số hóa 20% kết quả giải quyết TTHC cấp huyện, 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã.

Năm 2022 phối hợp tổ chức triển khai quy trình số hóa 20% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa cấp huyện và 50% Bộ phận một cửa cấp xã.

Giai đoạn 2023 - 2025 tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết TTHC thành công mỗi năm tăng thêm 20% ở mỗi cấp đến khi đạt tỷ lệ 100%, bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC giữa các cấp; mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ đạt tối thiểu 90% vào năm 2025...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.