Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn

22:55, 06/09/2021

Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 12-CTr/TU, ngày 30-8-2021 thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”.

Mục tiêu của Chương trình: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương, thành thị và nông thôn; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Hỗ trợ người nghèo vượt lên trên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã, thôn, buôn để sớm thoát khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. 

Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, thông tin; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030.

th
Một lớp dạy nghề nấu ăn cho chị em phụ nữ tại huyện Lắk. (Ảnh minh họa)

Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân từ 1,5 - 2%/năm; riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 3 - 4%/năm. 

Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, gắn liền với các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. 

Tất cả người thuộc hộ gia đình nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và người đang sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế; ngân sách địa phương tiếp tục hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo. 

Tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi; người nghèo trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định, tạo điều kiện để đi lao động nước ngoài nhằm tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Nhiệm vụ và giải pháp đề ra: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; Tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giảm nghèo…

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 7,91% (giảm 11,46% so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 17,4%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm còn 27,67% (theo Quyết định số 764/QĐUBND, ngày 6-4-2011 của UBND tỉnh về “Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020”). Tuy nhiên, chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao do những rủi ro khách quan như thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả, tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19...

Hồng Chuyên


 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.