Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Ngày 25-10, Quốc hội thảo luận đối với 3 dự án luật

18:20, 25/10/2021

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 25-10, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; thảo luận ở tổ đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Trong phiên làm việc buổi sáng, đã có 17 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Các đại biểu đánh giá cao Viện KSND Tối cao (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Ủy ban Tư pháp (Cơ quan chủ trì thẩm tra) trong việc chuẩn bị Tờ trình, hồ sơ dự án luật và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét; đồng thời cơ bản thống nhất với nội dung trong các báo cáo. Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án luật nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đồng thời, tháo gỡ những khó khăn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nói riêng và phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc, chưa bãi bỏ quy định về việc chỉ khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng khi có yêu cầu của người bị hại; nhất trí với sự cần thiết bổ sung thẩm quyền của công an xã trong hoạt động điều tra, tố tụng hình sự được quy định trong dự thảo; tán thành bổ sung quy định cho phép tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh trong cả ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử…

Các ĐBQH tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các ĐBQH tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Tại phiên thảo luận ở tổ đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), các vị ĐBQH của tỉnh Đắk Lắk đã đóng góp nhiều ý kiến đối với dự án luật này. Cụ thể, cần quy định các điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm phải rõ ràng, dễ hiểu; cần rà soát để bảo đảm quyền lợi giữa người mua và người cung cấp dịch vụ bảo hiểm; việc giải quyết tranh chấp bảo hiểm ngoài trọng tài, tòa án thì cần quy định thêm cơ chế giải quyết linh hoạt bảo đảm quyền lợi các bên; cần quan tâm đến bảo hiểm vi mô (với đặc điểm phí thấp, bảo hiểm với số tiền nhỏ, sản phẩm đơn giản và dễ hiểu) nên sẽ dễ dàng tiếp cận đối với bộ phận người lao động thu nhập thấp, các nhóm yếu thế trong xã hội, qua đó giúp họ ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. …

Trong phiên làm việc buổi chiều, các ĐBQH đã tập trung thảo luận trực tuyến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Theo đó, Luật Thống kê được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23-11-2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê khi đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê…

Tại phiên thảo luận trực tuyến, đã có 25 ý kiến đóng góp của các ĐBQH tập trung vào những nội dung như: rà soát, xem xét tính hợp lý, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm; cụ thể hơn nguyên tắc phân định giữa hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và chỉ tiêu ngành, địa phương; tính khả thi về nguồn lực triển khai thực hiện và hướng tới tiết kiệm nguồn nhân lực và tài chính; xem xét tính hợp lý, trùng lặp của một số chỉ tiêu như tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động, người sở hữu điện thoại di động, tỷ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội, tỷ lệ người Việt Nam đọc báo, tạp chí…

Ngày mai (26-10), buổi sáng Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động; Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.