Mở rộng dịch vụ đô thị thông minh: Khoảng trống dữ liệu nguồn
Sự ra đời của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (Dak Lak IOC) vào tháng 9-2020 đã tạo bước chuyển biến tích cực trong thực hiện xây dựng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy. Đây cũng là những bước đi khởi đầu để Đắk Lắk từng bước hiện thực mục tiêu xây dựng chính quyền số; tuy nhiên, dữ liệu nguồn tại Dak Lak IOC còn quá ít...
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý
Theo báo cáo của Dak Lak IOC, sau gần 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, về hạ tầng, IOC đã hoàn thành lắp đặt hệ thống camera giám sát, wifi, 27 màn hình tại phòng giám sát, 9 màn hình tại phòng điều hành (chạy thử nghiệm sẵn sàng các dịch vụ từ ngày 1-7-2021).
Theo ông Phan Xuân Thủy, Giám đốc Dak Lak IOC, từ 1-9-2021, đơn vị đã triển khai chính thức 5 dịch vụ đô thị thông minh tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Cư M'gar, Ea Kar, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ. Tại TP. Buôn Ma Thuột, các dịch vụ được triển khai gồm: giám sát, điều hành kinh tế và xã hội; an ninh trật tự đô thị và điều hành giao thông; dịch vụ phản ánh hiện trường; giám sát an toàn thông tin mạng; giám sát hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Thị xã Buôn Hồ, các huyện Cư M'gar, Ea Kar, Krông Năng đang triển khai dịch vụ phản ánh hiện trường.
Nhân viên điều hành các hoạt động tại Dak Lak IOC. |
Dịch vụ giám sát, điều hành kinh tế - xã hội là ứng dụng hỗ trợ lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo điều hành, theo dõi chi tiết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, IOC đã cập nhật 16 nhóm chỉ tiêu giám sát từ năm 2010 đến năm 2020 như: về vốn đầu tư, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; theo dõi chỉ số PCI, PAPI…
Dịch vụ giám sát an ninh trật tự đô thị và điều hành giao thông đã kết nối 23 camera giám sát giao thông của Công an tỉnh; 109 camera của phường Thống Nhất, 2 camera thử nghiệm của VNPT, trong đó có 6 camera được áp dụng tính năng AI. Ngày 1-7-2021 đã vận hành, thực hiện giám sát an ninh đô thị và điều hành giao thông trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Đối với dịch vụ phản ánh hiện trường, đến ngày 16-9-2021, Dak Lak IOC đã tiếp nhận 84 phản ánh của người dân đến hệ thống.
Tại Quyết định 1535/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, Dự án xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được ghi vốn 330 tỷ đồng. |
Từ ngày 23-6-2021, hệ thống giám sát dịch vụ công trực tuyến, trên cơ sở các chỉ tiêu giám sát hồ sơ thủ tục hành chính, Dak Lak IOC đã tiến hành gửi báo cáo tình hình điều hành xử lý số liệu hồ sơ quá hạn đến trung tâm phục vụ hành chính công và 15 huyện, thị xã, thành phố.
Từ những bước đi đầu tiên này, Đắk Lắk từng bước hiện thực mục tiêu xây dựng chính quyền số, trong đó tập trung vào định hướng quan trọng là nâng cao chất lượng sống và môi trường làm việc của người dân, phục vụ tốt và tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng đô thị. Đồng thời, giúp chính quyền nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Đẩy nhanh việc cung cấp dữ liệu nguồn
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (nguyên Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh, người đồng hành với Dak Lak IOC từ những ngày đầu mới thành lập) cho rằng, tính hiệu quả về xây dựng chính quyền điện tử thông qua dữ liệu được cung cấp sẽ mang đến cho lãnh đạo sự định hướng, điều hành và đưa ra quyết sách đúng đắn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, dữ liệu nguồn tại Trung tâm còn quá ít nên sự "thông minh" rất hạn chế.
Phân tích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Giang cho hay, toàn bộ hệ thống mặc dù rất thông minh cũng sẽ không phát huy hiệu quả nếu không có hệ dữ liệu đưa vào. Đơn cử như hệ thống phần mềm báo cáo kinh tế - xã hội, khi nhập đầy đủ dữ liệu, hệ thống sẽ tự động phân tích, đưa ra những giải pháp, từ đó giúp nhà quản lý có những định hướng trong công tác chỉ đạo điều hành cũng như ban hành những quyết sách phù hợp với thực tế tại địa phương. Để làm được điều này cần sự quan tâm của các sở, ngành địa phương các cấp trong việc phối hợp với Trung tâm cung cấp dữ liệu nguồn đầy đủ, phong phú, đa dạng qua các giai đoạn phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác thăm và tìm hiểu hoạt động của Dak Lak IOC |
Tại buổi thăm và làm việc với Dak Lak IOC vào giữa tháng 9-2021 vừa qua, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bàn rất kỹ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn 2021 - 2026, trong đó đề cập khá nhiều đến chuyển đổi số. Hiện, kinh tế số chiếm 10% GDP của cả nước, tuy nhiên để đạt được 20% vào năm 2025 cần quyết tâm lớn, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị.
Đối với Đắk Lắk, những chiến lược lớn về chuyển đổi số và chính quyền đô thị đã được xây dựng, ban hành, đây cũng là kết quả nỗ lực đáng ghi nhận. Để phục vụ kế hoạch mở rộng thêm dịch vụ đô thị thông minh ở nhiều lĩnh vực trong thời gian tới như: giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng, môi trường… bắt buộc phải có nguồn dữ liệu đầu vào “nuôi” Trung tâm.
Chính vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, bảo đảm việc thực hiện bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 2-4-2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc