Ngày 29-10, Quốc hội thảo luận về Luật Kinh doanh bảo hiểm và 2 nội dung quan trọng
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 29-10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, thảo luận ở tổ đối với 2 nội dung quan trọng.
Trong phiên làm việc buổi sáng, đa số các ĐBQH bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả; nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng, thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế…
Các vị ĐBQH tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến tập trung vào những nội dung như: cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo Luật này với các luật khác có liên quan như như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Thanh tra; cần xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù, xây dựng một chương riêng cho dự thảo và tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp; cần bổ sung thêm chương về bảo hiểm vi mô vì đây là loại hình bảo hiểm rất cần thiết, có tính xã hội cao, hướng tới đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội…
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe báo cáo, báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Kế hoạch đặt ra 5 quan điểm, trong đó nhấn mạnh tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch giai đoạn 2016- 2020; bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh và bền vững… Bên cạnh đó, kế hoạch đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước thì bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.
Để thực hiện, Kế hoạch đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, như: Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; Phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; Cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm…
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân đóng góp ý kiến tại tổ. |
Đối với dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) phải đáp ứng các mục tiêu: Đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%; Khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Đến năm 2050, tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh... hoàn thành mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày mai (30-10), Quốc hội thảo luận trực tuyến đối về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc