Multimedia Đọc Báo in

“Bảo tàng” kháng chiến giữa lòng Buôn Ma Thuột

06:26, 23/11/2021

Ngay giữa lòng Buôn Ma Thuột có một “địa ngục trần gian” nhưng lại là nơi từng nuôi dưỡng ý chí đấu tranh kiên cường của bao chí sĩ yêu nước trong hai cuộc kháng chiến cứu nước - đó chính là Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, năm 1900, thực dân Pháp xây dựng ở Buôn Ma Thuột một trại giam để giam giữ những người chống lại quá trình xâm lược và bình định. Cuối thập niên 1920, đầu những năm 1930, chính quyền thực dân liên tục mở rộng và xây mới các nhà tù.

Nhà đày Buôn Ma Thuột trở thành nơi đày biệt xứ và giam cầm những người yêu nước, những đảng viên cộng sản bị xử án nặng, những người đi đầu trong các cuộc đấu tranh của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Đến năm 1936, khi thực dân Pháp chuyển toàn bộ số tù nhân còn sống sót ở Nhà tù Lao Bảo đến, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành một nhà đày lớn của Pháp ở Đông Dương.

Nhà đày Buôn Ma Thuột - "địa chỉ đỏ" trong giáo dục lịch sử truyền thống. Ảnh: Hoàng Gia (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Chế độ khắc nghiệt chốn lao tù không lung lạc nổi ý chí sắt đá của những người cộng sản, mà ngược lại, chính nhà tù thực dân lại trở thành trường học cách mạng... Bằng rất nhiều cách, họ đã truyền đơn, tài liệu cho nhau. Nhiều chiến sĩ cộng sản đã trưởng thành trong trường học cách mạng này.

Trong thời kỳ 1930 - 1945, đã có trên 3.850 tù nhân bị giam giữ ở Nhà đày Buôn Ma Thuột. Với sự đấu tranh kiên cường, không mệt mỏi của các chiến sĩ cộng sản, cuối năm 1940, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập, thống nhất sự lãnh đạo của Đảng trong nhà đày. Những hoạt động của các chiến sĩ cộng sản ở Nhà đày Buôn Ma Thuột đã gieo mầm, tạo những "hạt giống đỏ" đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Nhiều nhân sĩ, thanh niên trí thức, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc cho chính quyền thực dân nhưng được giáo dục, cảm hóa đã trở thành những cán bộ cách mạng, theo Đảng, theo Bác Hồ, có uy tín lớn đối với nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng.

Chi bộ Nhà đày Buôn Ma Thuột ra đời cuối năm 1940 là mốc son lịch sử của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu phong trào cách mạng của tỉnh chuyển kịp theo trào lưu cách mạng chung của cả nước, góp phần đưa Cách mạng Tháng Tám thành công ở Đắk Lắk. Cũng từ “trường học cách mạng” này, nhiều đồng chí đã trở thành lãnh đạo, giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ.

Với khuôn viên bên trong rộng khoảng 2 héc-ta, Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay vẫn còn giữ nguyên các công trình ban đầu, bao gồm 6 nhà lao, các công trình phụ như nhà quản ngục, bếp ăn… và có tường dày 40 cm, cao 4 m bao bọc xung quanh. Xung quanh Nhà đày có hệ thống tháp canh ở bốn góc tường. Toàn bộ kiến trúc được gìn giữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn. 

 

"Để phát huy giá trị di tích, ngành văn hóa đã tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch bảo quản, tu bổ Nhà đày Buôn Ma Thuột nhằm từng bước đưa di tích này trở thành một điểm đến tiêu biểu trong hệ thống di tích nhà tù, nhà đày trên toàn quốc; trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ gắn với phát triển du lịch địa phương".

 
 
 
Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk Đinh Một

Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo Tàng Đắk Lắk cho biết: Năm 2018, Nhà đày Buôn Ma Thuột đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Nhà đày Buôn Ma Thuột được tỉnh quan tâm tu sửa, tôn tạo, phục dựng nhiều hạng mục và sưu tầm các hình ảnh, tài liệu, hiện vật để phục vụ tham quan tốt hơn.

Phòng truyền thống của Nhà đày Buôn Ma Thuột hiện trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật về quá trình xây dựng, phong trào đấu tranh, sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk. Nơi đây cũng lưu danh các chiến sĩ cộng sản tiêu biểu và tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Cảnh quan trong khuôn viên Nhà đày Buôn Ma Thuột được chăm sóc, tôn tạo. Ảnh: Hoàng Gia

Không chỉ là nơi lưu giữ lịch sử, Nhà đày Buôn Ma Thuột ngày nay còn là điểm tham quan, học tập truyền thống cách mạng. Trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19, bình quân mỗi năm, di tích này đón khoảng 10.000 lượt khách, trong đó có rất nhiều học sinh của các trường học trong tỉnh và ngoài tỉnh. Để tưởng nhớ và tri ân công lao, sự hy sinh của các chiến sĩ cộng sản, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Đắk Lắk, hoạt động dâng hương được ngành văn hóa tỉnh duy trì thường xuyên tại Nhà đày Buôn Ma Thuột (vào ngày mùng Một và ngày 15 âm lịch hằng tháng).

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.