Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào có đạo ở Hòa Phong

08:27, 10/11/2021

Xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) có 2.132 hộ, 9.513 khẩu; trong đó đồng bào các tôn giáo có 3.110 tín đồ, chiếm 32,5% dân số.

Đồng chí Nguyễn Văn Lắm, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong cho biết: Tín đồ tôn giáo tập trung đông ở hai thôn Noh Prông và Ea Khiêm với 483 hộ, 2.588 khẩu, là đồng bào Mông di cư ngoài kế hoạch.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tôn giáo và thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy Đắk Lắk về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thôn, buôn, tổ dân phố, sau khi chia tách thôn Noh Prông (cũ) thành lập hai thôn Noh Prông và Ea Khiêm (tháng 2-2017), Đảng ủy xã đã thành lập mỗi thôn  một chi bộ và phân công đảng viên có uy tín tham gia sinh hoạt.

Nhờ vậy, trong những năm qua công tác phát triển Đảng ở những thôn này đã có sự chuyển biến tích cực. Từ chỗ cả hai thôn chỉ có 1 đảng viên là người tại chỗ khi mới thành lập, đến nay đã có 10 đảng viên là người địa phương (trong đó, thôn Noh Prông có 8 đảng viên tại chỗ).

Buổi phát động quần chúng về an ninh trật tự ở thôn Noh Prông, xã Hòa Phong (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch).

Song song với công tác phát triển Đảng ở vùng đồng bào có đạo, Đảng ủy xã Hòa Phong cũng xác định công tác tư tưởng và dân vận phải đi trước một bước.

Vì thế, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị và ngành chức năng của xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác vận động đồng bào vùng có đạo. Chi bộ phân công đảng viên bám sát từng hộ dân tìm hiểu, lắng nghe tâm tư nguyện vọng để kịp thời giải quyết những vướng mắc của người dân. Triển khai những chủ trương mang tính cộng đồng cao như huy động đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở, chi bộ, ban tự quản và ban công tác mặt trận các thôn luôn phối hợp chặt chẽ với ban chấp sự của điểm, nhóm tôn giáo để vận động…

Vào các dịp lễ trọng đại, Mặt trận đều phối hợp với các ngành chức năng đến thăm hỏi, tặng quà các chức sắc tôn giáo và trực tiếp gặp gỡ bà con giáo dân thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, đồng thời phổ biến những chủ trương, chính sách mới có liên quan để bà con giáo dân kịp thời nắm bắt. Nhờ vậy, công tác dân vận rất hiệu quả; chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, người dân tích cực chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế.

Nhiều mô hình kinh tế được đồng bào vùng có đạo ở hai thôn Noh Prông và Ea Khiêm triển khai có hiệu quả như: đào ao tích nước, làm bờ vùng, bờ thửa cải tạo 54 ha đất trồng màu sang làm lúa nước; diện tích cây công nghiệp như: cà phê, tiêu, điều tăng lên 242 ha; nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo giống bò địa phương có giá trị kinh tế cao. Đồng bào các thôn luôn hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, xóa bỏ nạn tảo hôn, duy trì và phát triển nghề may, thêu trang phục truyền thống…

Lực lượng dân quân xã làm công tác dân vận giúp dân sửa chữa cầu dân sinh ở thôn Noh Prông.

Mặc dù điều kiện kinh tế của hai thôn di cư ngoài kế hoạch còn thấp hơn so với mức bình quân chung của xã nhưng trong những năm qua, nhờ làm tốt công tác dân vận, bà con thôn Noh Prông và Ea Khiêm đã đóng góp 608 triệu đồng để mua đất và xây dựng các công trình công cộng như: nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, nghĩa trang, đường giao thông nội đồng, sửa chữa cầu tạm. Ngoài ra, bà con trong các thôn còn tự nguyện đóng góp 15 triệu đồng cùng với số tiền hỗ trợ của xã để làm nhà ở cho 1 gia đình đặc biệt khó khăn.

Tương tự, tại tổ Vân Kiều thôn 2 có 44 hộ, 242 khẩu, trong đó có 128 tín đồ đạo Tin Lành, khi chưa có dự án kéo điện về địa bàn dân cư, bà con đã tự nguyện đóng góp 70 triệu đồng làm hợp đồng đưa điện sinh hoạt về tổ dân cư; đóng góp 20 triệu đồng làm đường giao thông nội đồng.

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Bí thư Chi bộ thôn Ea Khiêm cho biết, bà con giáo dân ở thôn Ea Khiêm và Noh Prông luôn đề cao cảnh giác “không nghe, không tin, không làm” theo kẻ xấu. Trong 5 năm qua trên địa bàn hai thôn không còn xảy ra tệ nạn mua bán phụ nữ, an ninh chính trị giữ ổn định…

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.