Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Chất vấn làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến phòng, chống COVID-19, thu hút lao động

19:34, 10/11/2021

Ngày 10-11, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ đăng đàn, trả lời chất vấn trước Quốc hội khóa mới.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày. Theo quyết định của Quốc hội, có 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: y tế; lao động - thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; kế hoạch và đầu tư được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại Kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vất. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vất. Ảnh: TTXVN

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn về một số nội dung như: nguyên nhân dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 và gây tổn thất nặng nề, bài học kinh nghiệm; trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong công tác dự báo, tham mưu các kịch bản, phương án đối với thích ứng với diễn biến của tình hình dịch bệnh; trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vắc xin; nguyên tắc phân bổ công bằng vắc xin; rủi ro trong việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi; công tác quản lý giá xét nghiệm COVID-19; tình trạng lợi ích nhóm trong hoạt động nhập khẩu bộ kit test xét nghiệm; thời điểm vắc xin trong nước được cấp phép và đưa vào sử dụng; việc kết hợp áp dụng y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã giải trình, làm rõ các nội dung liên quan đến giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; các chế độ, chính sách công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực ngành y tế, nhất là nhân lực chất lượng cao; tình trạng "chảy máu" nguồn nhân lực y tế do áp lực công việc cũng như chế độ, chính sách chưa phù hợp; đánh giá việc khám, điều trị của đội ngũ y, bác sĩ khu vực công khi đồng thời tham gia hành nghề tại khu vực tư.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã làm rõ những giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến và các vùng miền, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh, chất lượng khám, sàng lọc; giải pháp nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã; việc sắp xếp, bố trí mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng; giải pháp hỗ trợ về bảo hiểm y tế đối với người lao động bị ngắt quãng; quá trình đóng bảo hiểm y tế do mất việc làm...

Tại phiên chất vấn nhóm vấn đề lao động - thương binh và xã hội, Bộ trưởng  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải đáp những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm như: Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc; việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến giải quyết chính sách đối với người cao tuổi, đề nghị tăng lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995; những bất cập trong công tác xã hội hóa trong trợ giúp xã hội, chưa thu hút được tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội…

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng nội dung theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội chưa hoàn toàn đồng ý với một số nội dung trả lời đã đăng ký tranh luận, trao đổi thẳng thắn để đi đến cùng, làm rõ hơn các vấn đề chất vấn.

Hồng Hà (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.