Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk lần thứ I - 2020: Nhiều tác phẩm bám sát hơi thở cuộc sống
Ngày 8/5/2020 UBND tỉnh đã chấp thuận cho tổ chức Giải Báo chí tỉnh Đắk Lắk và ban hành kế hoạch tổ chức giải. Đây là sự động viên, cổ vũ những người làm báo chuyên và không chuyên, các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh phát huy hơn nữa năng lực, trình độ, nhiệt huyết để nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng địa phương.
Đây cũng là một dịp để mỗi nhà báo, mỗi tác giả và các cơ quan báo chí nhìn nhận, đánh giá lại về tổ chức, quản lý chuyên môn, nghiệp vụ; từ đó, có các biện pháp mới trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho phóng viên, cộng tác viên.
Là giải báo chí cấp tỉnh lần đầu được tổ chức, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã có 111 tác phẩm của hội viên gửi tham dự giải. Sau vòng sơ khảo (do các chi hội chịu trách nhiệm chấm chọn), 79 tác phẩm được đưa vào chung khảo.
Hội đồng giám khảo đã thảo luận và đưa ra 4 tiêu chí chính để xem xét chấm từng tác phẩm: 1. Sự kiện, vấn đề được thể hiện trong tác phẩm phải là sự kiện, vấn đề có tính thời sự, nổi bật, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng sâu sắc, được dư luận xã hội quan tâm; 2. Nội dung tác phẩm phải đúng quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước, phù hợp với đạo lý, truyền thống văn hóa của dân tộc; thông tin phong phú, trung thực; các vấn đề nêu ra được phân tích lý giải rõ ràng, sâu sắc; thể hiện được thái độ của tác giả trong tác phẩm; 3. Kỹ thuật, nghệ thuật thể hiện tác phẩm phải bảo đảm các yêu cầu của từng thể loại báo chí; cách viết có bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, cách lập câu, hành văn lôi cuốn... Riêng với ảnh báo chí, không được dùng các phần mềm của máy vi tính để chỉnh sửa, ảnh không bị nhòe, mờ, chuẩn về tông màu, tông ánh sáng, bố cục chặt chẽ; 4. Tác phẩm được dư luận xã hội đánh giá cao; mang lại hiệu quả cụ thể về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng...
Qua xem xét, thẩm định các tác phẩm ở loại hình báo in, báo điện tử và ảnh báo chí ở vòng chung khảo, có thể thấy: Khá nhiều tác phẩm tốt, tác phẩm hay, thể hiện sự công phu, đi sâu, đi sát cơ sở, trực tiếp chứng kiến hiện tượng, sự việc, trực tiếp điều tra, lấy thông tin. Các tác phẩm đã thể hiện đa dạng, phong phú nhiều sự kiện, vấn đề nổi bật của địa phương được xã hội rất quan tâm, như: vấn đề thi tuyển bí thư huyện ủy, thi tuyển lãnh đạo một số sở, ngành; học tập và làm theo đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh; phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc và vùng có đạo; phòng, chống đại dịch COVID-19; quản lý, bảo vệ rừng; hội nhập EVFTA; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo tồn voi; dạy và học trực tuyến hiện nay; nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; đô thị hóa và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số; ổn định cuộc sống cho đồng bào di cư tự phát và nhiều vấn đề khác.
Phóng viên báo chí ghi nhận, phản ánh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ đầu mối Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Hoàng Gia |
Các tác phẩm đã thể hiện được bức tranh toàn cảnh về các vấn đề đáng quan tâm ở địa phương; việc thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp dài hạn và ngắn hạn để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân. Các tác phẩm còn giới thiệu, biểu dương nhiều tấm gương sáng trong lao động sản xuất, những người năng động, sáng tạo, có nhiều cách nghĩ, cách làm mới trong các lĩnh vực.
Hầu hết các tác phẩm dự giải đã thể hiện đầy đủ các yêu cầu đặc trưng của từng thể loại báo chí, bố cục khá chặt chẽ. Các tác phẩm gồm nhiều vấn đề, nhiều nội dung đã được chia ra nhiều phần, đăng trên nhiều kỳ để người đọc dễ theo dõi. Ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng, cách lập câu mạch lạc. Một số tác phẩm viết về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, về lòng nhân ái của con người có lối hành văn, cách dùng từ ngữ khá linh hoạt, cảm xúc của người viết thể hiện rõ trên từng con chữ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số tác phẩm viết sơ lược, thiếu những thông tin cơ bản. Một số tác phẩm viết dài dòng, có thể in gọn trong một kỳ báo nhưng đã bị kéo dài thành hai, ba kỳ nên nội dung trùng lặp. Có những chùm bài dự giải của nhiều tác giả đề cập được vấn đề hay, nhưng nhiều nội dung, nhiều ý kiến phỏng vấn về cùng một người trùng lặp giữa các bài viết; nhìn tổng thể cả chùm bài thiếu tính hệ thống, lủng củng, dài dòng, không còn tính hấp dẫn.
Ảnh báo chí là thể loại “hẻo” nhất trong giải lần này, chỉ có 3 tác phẩm dự giải, gồm một phóng sự ảnh và hai ảnh đơn. Nhưng hai ảnh đơn bị loại ngay từ đầu (một ảnh do chưa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, một ảnh không phải là ảnh báo chí). Phóng sự ảnh đã kể được một câu chuyện về các hoạt động của một đồn biên phòng: Đó là tinh thần sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự vùng biên giới, chủ động phòng, chống đại dịch COVID-19, giúp dân sản xuất, dạy học cho trẻ em vùng biên giới. Thế nhưng kỹ thuật và nghệ thuật thể hiện qua các bức ảnh chưa tốt, một số ảnh trùng lặp nội dung, một số ảnh chụp thiếu sáng, bố cục không chặt, chưa tạo được dấu ấn với người xem.
Khá đáng tiếc là trong tất cả các tác phẩm dự thi không có một tác phẩm điều tra chống tiêu cực, tham nhũng nào; mặc dù đây là một vấn đề nhức nhối đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, được nhân dân chú ý theo dõi và đồng tình ủng hộ.
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc