Multimedia Đọc Báo in

Những "trụ cột" của buôn làng

15:31, 05/12/2021

Được xem là những “trụ cột” vững chắc của các buôn làng, những già làng, người có uy tín vùng căn cứ cách mạng Krông Bông luôn gương mẫu trong cuộc sống đời thường, tích cực trong lao động sản xuất, tâm huyết và có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Già Ama Khoát (dân tộc Êđê) ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm được nhiều người yêu mến, quý trọng bởi ông là tấm gương mẫu mực trong phát triển kinh tế, tâm huyết với việc bảo tồn những nét đẹp truyền thống của đồng bào Êđê.

Ama Khoát (thứ ba từ trái qua) trao đổi kinh nghiệm cùng đội chiêng Kram của buôn Chàm A, xã Cư Drăm.

Nghỉ hưu đã lâu, dù tuổi cao nhưng ông vẫn cùng với gia đình chăn nuôi gần 30 con trâu, bò, dê; chăm sóc 1.600 cây cà phê, 2 ha ngô lai, hơn 2.000 m2 lúa nước, 5 sào cỏ... với thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng.

Đam mê và tha thiết gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha, Ama Khoát vẫn cố gắng duy trì nghề đan lát, rèn. Hằng ngày ông vẫn đan những chiếc gùi, thúng, rổ rá để dùng trong gia đình và rèn các loại dụng cụ như xà gạc, rìu, cuốc, liềm.

Đặc biệt, Ama Khoát còn chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: cồng chiêng, sáo. Gia đình ông hiện còn giữ được hai bộ cồng chiêng cổ có giá trị. Ông luôn động viên, khích lệ, khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống cho con cháu trong gia đình và lớp trẻ trong buôn.

Ama Khoát (người đứng bìa phải) luôn quan tâm đến văn hóa truyền thống dân tộc.

Hiền lành, mẫu mực trong cuộc sống, lại là người năng động, làm kinh tế giỏi, Ama Ngơn (dân tộc M’nông) ở buôn Tul, xã Yang Mao được bà con tín nhiệm bầu là già làng khi mới bước sang tuổi 50. Với 96 hộ đồng bào M’nông, buôn Tul hiện là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở xã Yang Mao. Buôn có gần 40 ha lúa nước hai vụ, đường bê tông luôn sạch sẽ chạy quanh buôn, điện đường chiếu sáng ban đêm, hệ thống nước sạch tự chảy được kéo về từng gia đình, nhiều hộ ở buôn Tul còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống…

Cuộc sống ổn định ấy có được một phần nhờ vào sự tích cực tuyên truyền, vận động của già làng Ama Ngơn. Ông cũng là tấm gương về lao động sản xuất. Gia đình Ama Ngơn đã tận dụng hết diện tích đất sẵn có để trồng trọt và chăn nuôi với hơn 5 sào ruộng nước, 1 ha cà phê, 5 sào dứa và gần 1 ha sắn. Ngoài ra ông nuôi 5 con trâu, 2 con bò và 5 con dê sinh sản. Bình quân mỗi năm gia đình Ama Ngơn thu về từ 50 - 60 triệu đồng tiền bán trâu, bò, dê.

Già làng Ama Ngơn (buôn Tul, xã Yang Mao) chăm sóc cà phê. 

Già làng Ama Ngơn chia sẻ: “Nhờ có hệ thống thủy lợi và người dân siêng lao động nên các hộ trong buôn đều có ruộng nước, không còn hộ nào đói, thiếu ăn như trước nữa. Nhiều hộ còn trồng cỏ, tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch lúa để chăn nuôi trâu, bò cho thu nhập khá. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên. Tình hình an ninh trật tự luôn đảm bảo. Trong buôn không có người nghiện rượu, ma túy hay bài bạc. Một số lễ hội văn hóa truyền thống và dệt thổ cẩm vẫn được duy trì”.

Già làng Ama Bloen (dân tộc Êđê) ở buôn Mghí, xã Yang Mao vốn là cựu chiến binh. Tham gia kháng chiến từ năm 1970, đến năm 1975 ông xuất ngũ về tiếp tục công tác xã hội ở địa phương ở nhiều vai trò, vị trí khác nhau. Năm 2007 Ama Bloen về nghỉ chế độ và được đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ buôn Mghí. Năm 2013, Ama Bloen xin nghỉ nhưng bà con trong buôn lại bầu chọn ông làm già làng.

Giờ tuy tuổi đã cao nhưng Ama Bloen vẫn thường xuyên đến thăm động viên, hướng dẫn, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn; cùng buôn làng phục dựng, bảo tồn những nét đẹp về văn hóa truyền thống và cùng với gia đình trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Sau khi chia đất ở, đất sản xuất cho 6 người con, ông còn giữ lại chăm sóc 8 sào cà phê, 1 ha ngô lai, 5 sào ruộng nước và chăn nuôi 8 con bò sinh sản.

Già làng Ama Bloen (buôn Mghí) là người mẫu mực, hết lòng

Là gia đình mẫu mực, đi đầu trong các hoạt động của buôn nhiều năm liền nên gia đình Ama Bloen vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ông được xem là chỗ dựa tinh thần cho bà con trong buôn.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.