Cầu nối của tình hữu nghị
Tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), qua hai huyện Ea Súp và Buôn Đôn.
Với ý thức gìn giữ, vun đắp thêm mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Đắk Lắk và Mondulkiri, thúc đẩy, tăng cường hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, sau khi có chủ trương của Tỉnh ủy, năm 2006 UBND tỉnh quyết định thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh, đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử quan hệ giữa hai tỉnh, hai đất nước.
Với vai trò là nhịp cầu kết nối giữa nhân dân, chính quyền hai tỉnh, song song với việc tập trung phát triển hội viên lên hơn 1.800 người, sinh hoạt tại 4 huyện, thành hội (Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, TP, Buôn Ma Thuột) và Liên Chi hội Bộ đội Biên phòng (BĐBP), Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhất là ở khu vực biên giới Ea Súp, Buôn Đôn về tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước nói chung, Đắk Lắk – Mondulkiri nói riêng.
Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ được đặc biệt chú trọng, thông qua hình thức phối hợp cùng Đoàn Thanh niên tổ chức các hội thi tìm hiểu lịch sử quan hệ giữa hai nước; giao lưu, gặp mặt cựu chuyên gia, quân tình nguyện. Từ đó, giúp thế hệ trẻ ý thức hun đúc, gìn giữ, bảo vệ mối quan hệ bền chặt, hiếm có mà Đảng, nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Biểu diễn văn nghệ tại Hội nghị giao lưu nhân dân giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mondulkiri. |
Trên cơ sở nội dung Bản ghi nhớ được ký kết giữa hai bên, Hội Hữu nghị Việt Nam Việt Nam – Campuchia tỉnh cụ thể hóa các nội dung, tăng cường công tác đối ngoại qua những hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: hỗ trợ kinh phí, lương thực, thực phẩm, giúp bạn phòng, chống thiên tai, dịch bệnh…
Trong đại dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tỉnh H’Yim Kđoh trực tiếp đến Cửa khẩu Pu Prăng (tỉnh Đắk Nông) tặng tỉnh Mondulkiri 200 triệu đồng, 5 tấn gạo, 300 thùng mì tôm, 7.000 khẩu trang y tế do cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tỉnh Đắk Lắk ủng hộ. Trước đó, năm 2020 tỉnh Đắk Lắk cũng hỗ trợ tỉnh bạn 200 triệu đồng, 2 tấn gạo phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Những món quà ý nghĩa, đến tay bạn kịp thời trong lúc khó khăn đã “trở thành biểu trưng, minh chứng sống động cho tình đoàn kết, gắn bó, sẻ chia ngọt bùi của hai dân tộc anh em trong một nhà”, như khẳng định của Phó tỉnh Trưởng tỉnh Mondulkiri Win Si Thuôn. Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao, trao đổi kinh nghiệm trên các nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh làm Trưởng đoàn hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch giúp tỉnh Mondulkiri. |
Ở cấp huyện, thành hội và liên chi hội cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp với tình hình đơn vị, địa phương, đóng góp quan trọng trong việc củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa hai bên. Trong đó, phải kể đến vai trò tích cực của Liên Chi hội BĐBP trong việc tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa giữa xã Ia R'vê (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) với xã Noong Khơ Lâc và xã Sơ Re Hui (huyện Ko Nhéc, tỉnh Mondulkiri). Qua đó giúp nhân dân hai tỉnh thêm gần gũi, hiểu biết, thắt chặt tình thân, cùng hướng đến mục tiêu chung gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp, chung tay giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, bảo vệ cột mốc, đường biên.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh cũng sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cần thiết cho các đồn, chốt, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới tỉnh bạn; xả thân, quên mình cứu bạn như trong cơn lũ lịch sử năm 2019 và hỗ trợ nhân vật lực, xây dựng cơ sở vật chất, kéo điện chiếu sáng đồn, chốt, tạo điều kiện, giúp bạn thuận lợi hơn trong sinh hoạt, làm nhiệm vụ theo quan điểm “giúp bạn chính là giúp mình”.
Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia huyện Buôn Đôn và Ea Súp, hai huyện có chung đường biên giới với tỉnh bạn cũng ý thức, trách nhiệm, cùng bồi đắp, gắn kết mối quan hệ truyền thống keo sơn giữa địa phương với tỉnh bạn. Hai tổ chức Hội thường xuyên duy trì, tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, chúc mừng nhân các dịp lễ, Tết của bạn; trao đổi nắm bắt tình hình nhân dân khu vực biên giới, từ đó tăng cường hiểu biết, gây dựng thêm sự tin cậy giữa hai bên…
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc